Giới khoa học tìm mối liên quan giữa COVID-19 và bệnh tiểu đường

06:03, 18/03/2022
Một báo cáo của Mỹ cho biết trẻ từng mắc COVID-19 thường mắc bệnh tiểu đường, song báo cáo không phân biệt rõ tiểu đường tuýp 1 (bắt đầu từ khi nhỏ tuổi) và tuýp 2 (liên quan tình trạng thừa cân).
 
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh tại Agartala, bang Tripura, Ấn Độ, ngày 16/3/2022
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh tại Agartala, bang Tripura, Ấn Độ, ngày 16/3/2022
 
Một báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ nghiên cứu trên hai cơ sở dữ liệu bảo hiểm lớn của Mỹ, bao gồm cả các ca mới mắc tiểu đường từ tháng 3/2020-6/2021, cho thấy trẻ từng mắc COVID-19 thường mắc bệnh tiểu đường, song báo cáo không phân biệt rõ tiểu đường tuýp 1 (bắt đầu từ khi còn nhỏ tuổi) và tuýp 2 (liên quan đến tình trạng thừa cân).
 
Báo cáo được đăng trên tạp chí y khoa JAMA Pediatrics cho thấy trong năm đầu đại dịch bùng phát, bệnh viện nhi Rady ở San Diego ghi nhận số ca mắc tiểu đường tuýp 1 tăng gần 60% so với 12 tháng trước đó. Chỉ 2% trong số trẻ này từng mắc COVID-19.
 
Báo cáo thiếu thông tin về những trường hợp mắc các bệnh nhiễm trùng trước đó.
 
Theo Tiến sỹ Inas Thomas, chuyên gia tại Bệnh viện Nhi Mott thuộc Đại học Michigan, bệnh viện này ghi nhận tỷ lệ mắc tiểu đường tuýp 1 tăng 30% so với những năm trước đại dịch, đồng thời bày tỏ lo ngại nguy cơ bệnh lý này có liên quan đến COVID-19.
 
Bệnh tiểu đường tuýp 1 xảy ra do hệ miễn dịch của chính cơ thể người bệnh tấn công và phá hủy một phần của tuyến tụy sản xuất insulin.
 
Tuyến tụy của người bệnh sản xuất ít hoặc không có insulin, vì vậy khiến người bệnh phải điều trị bằng insulin suốt đời.
 
Các chuyên gia lâu nay đưa ra giả thuyết rằng một số bệnh nhiễm trùng trước đó có thể kích hoạt phản ứng tự miễn.
 
Trong khi đó, bệnh tiểu đường tuýp 2, chủ yếu xảy ra ở người trưởng thành, khiến cơ thể không sử dụng insulin đúng cách, dẫn đến không kiểm soát được mức đường huyết.
 
Hiện chưa rõ nguyên nhân mắc tiểu đường tuýp 2, song bệnh có thể liên quan đến các yếu tố gene di truyền, thừa cân, ít vận động và thói quen ăn uống không lành mạnh. Bệnh nhân có thể được điều trị hoặc thay đổi lối sống.
 
Trên thế giới, hơn 540 triệu người mắc bệnh tiểu đường, trong đó có khoảng 37 triệu người tại Mỹ. Đa số mắc tiểu đường tuýp 2 và nhiều người khác có lượng đường trong máu cao hơn bình thường hoặc ở giai đoạn tiền tiểu đường.
 
Dịch COVID-19 có thể khiến tình trạng sức khỏe của những người vốn mắc tiểu đường trầm trọng hơn, dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, khả năng có nhiều mối liên hệ khác nữa.
 
Bằng chứng mới cho thấy giống như những virus khác, SARS-CoV-2 có thể tấn công vào các tế bào của tuyến tụy tiết ra insulin. Quá trình này nhẹ nhất cũng gây bệnh tiểu đường tạm thời ở những người dễ mắc.
 
Số trường hợp mắc tiểu đường cũng có thể phản ánh thực trạng các biện pháp hạn chế được áp đặt để phòng dịch dẫn đến hệ quả, trong đó có thói quen ăn uống không lành mạnh, những người có nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 nhưng ít hoạt động.
 
Một trung tâm thuộc Bệnh viện nhi La Rabida ở Chicago cũng ghi nhận số ca bị tiền tiểu đường tăng mạnh trong thời đại dịch.
 
Giám đốc trung tâm Rosemary Briars cho rằng nguyên nhân có thể là do thời gian ngồi học trực tuyến lâu.
 
Tiến sỹ Rasa Kazlauskaite, chuyên gia về bệnh tiểu đường tại Trung tâm Y khoa thuộc Đại học Rush ở Chicago, cho biết các loại thuốc steroid được sử dụng để giúp bệnh nhân nhập viện vì mắc bệnh nhiễm trùng, trong đó có COVID-19, có thể làm tăng lượng đường trong máu dẫn đến bệnh tiểu đường. Đôi khi, lượng đường huyết giảm sau khi ngừng sử dụng steroid, nhưng không phải trường hợp nào cũng vậy.
 
Để tìm hiểu cụ thể, hiện các nhà khoa học tại Đan Mạch và Australia cũng đang tiến hành nghiên cứu về mối liên hệ giữa COVID-19 và bệnh tiểu đường.
 
(Theo Vietnam+)