Vaccine COVID-19 có tạo ra phản ứng miễn dịch ở bệnh nhân ung thư

07:03, 12/03/2022
Kết quả nghiên cứu mới cho thấy hầu hết bệnh nhân ung thư có phản ứng chuyển đảo huyết thanh, tức là đã sinh kháng thể sau khi tiêm.
 
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người cao tuổi tại Dublin, Ireland.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người cao tuổi tại Dublin, Ireland.
 
Các bệnh nhân ung thư có hệ miễn dịch kém do bệnh hoặc thuốc điều trị có nguy cơ cao mắc COVID-19 nên nằm trong nhóm đối tượng được tiêm phòng đầu tiên.
 
Tuy nhiên, chưa rõ liệu tiêm phòng có giúp các bệnh nhân này phòng tránh được hoặc giảm nguy cơ mắc bệnh nặng giống như ở người khỏe mạnh hay không.
 
Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm ung thư Moffitt đã thực hiện một nghiên cứu để trả lời câu hỏi này.
 
Nghiên cứu, được đăng ngày 11/3 trên tạp chí JAMA Oncology, do các giáo sư Anna R.Giuliano, Shari Pilon-Thomas và Jeffrey E. Lancet thực hiện, đã theo dõi 515 bệnh nhân mắc các bệnh ung thư khác nhau để đánh giá liệu họ có phản ứng miễn dịch với vaccine công nghệ mRNA của Moderna hay không.
 
Bệnh nhân được yêu cầu cung cấp mẫu máu vào các thời điểm trước khi tiêm mũi vaccine đầu tiên và thứ hai, và sau đó một tháng. Mỗi mẫu được xét nghiệm kháng thể chống COVID-19 và so sánh với lượng kháng thể của 18 người trưởng thành khoẻ mạnh cũng được tiêm vaccine này.
 
Kết quả cho thấy hầu hết bệnh nhân ung thư có phản ứng chuyển đảo huyết thanh, tức là đã sinh kháng thể sau khi tiêm. Tổng cộng 71,3% bệnh nhân có chuyển đảo huyết thanh sau mũi tiêm đầu tiên, 90,3% sau mũi thứ hai.
 
Tuy nhiên, kết quả không giống nhau giữa các loại ung thư khác nhau. Bệnh nhân ung thư máu có mức độ chuyển đảo huyết thanh thấp hơn so với bệnh nhân có u đặc, lần lượt là 84,7% và 98,1%.
 
Giáo sư Giuliano, giám đốc sáng lập Trung tâm nghiên cứu miễn dịch và mắc ung thư tại Moffitt, cho biết: “Chúng tôi có ghi nhận tỷ lệ chuyển đảo huyết thanh ở các bệnh nhân có u đặc, nhưng phải nhấn mạnh rằng mức kháng thể sinh ra vẫn thấp hơn so với người trưởng thành khỏe mạnh. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn chưa biết một người cần bao nhiêu kháng thể là đủ để được bảo vệ chống virus."
 
Bệnh nhân ung thư máu bạch huyết có tỷ lệ chuyển đảo huyết thanh thấp nhất. Chuyên gia Lancet, phụ trách mảng Huyết học Ác tính ở Moffitt, cho biết: “Bệnh bạch huyết ảnh hưởng đến tế bào B, loại mà hệ miễn dịch của chúng ta cần để tạo kháng thể. Nếu các tế bào B của bệnh nhân bị hỏng, do tiến triển bệnh hoặc do thuốc điều trị, thì cơ hội tạo kháng thể rất thấp."
 
Ngoài ra, một số loại thuốc điều trị ung thư cũng tác động đến việc chuyển đảo huyết thanh. Bệnh nhân dùng thuốc kháng thể chống kháng nguyên CD-20 trong 6 tháng trước khi tiêm sẽ không có phản ứng miễn dịch. Và những người dùng các loại ức chế BTK, Venetoclax và CD19 có tỷ lệ chuyển đảo huyết thanh thấp nhất.
 
Các nhà nghiên cứu đang tiếp tục theo dõi các bệnh nhân ung thư nói trên, lấy mẫu máu sau 6, 2 và 24 tháng. Nhóm nghiên cứu cũng mở một nghiên cứu song song nhằm đánh giá phản ứng miễn dịch của bệnh nhân sau mũi tiêm tăng cường bằng vaccine của Moderna.
 
 (Theo TTXVN)