Giới thiên văn tiết lộ hình ảnh đầu tiên về hố đen ở trung tâm Dải Ngân hà

06:05, 13/05/2022
Ngày 12/5, một nhóm nhà thiên văn học quốc tế đã tiết lộ hình ảnh đầu tiên của hố đen siêu lớn ở trung tâm của Dải Ngân hà.
 
Lần đầu tiên, các nhà thiên văn học có hình ảnh chi tiết về một hạt nhân thiên hà đang hoạt động, cấu trúc của bụi và khí bao quanh một lỗ đen siêu lớn
Lần đầu tiên, các nhà thiên văn học có hình ảnh chi tiết về một hạt nhân thiên hà đang hoạt động, cấu trúc của bụi và khí bao quanh một lỗ đen siêu lớn
 
Theo hãng tin AFP (Pháp), nhóm nhà thiên văn học với tên gọi dự án Kính thiên văn Chân trời Sự kiện (EHT) đã công bố bức ảnh về hố đen nói trên nằm ở khu vực Sagittarius A* (Nhân Mã A*), trung tâm của Dải Ngân hà. Đây là thành quả phối hợp suốt 5 năm qua của trên 300 nhà khoa học tại 80 quốc gia trên thế giới, đánh dấu việc lần đầu tiên sự hiện diện của hố đen được xác nhận qua hình ảnh. 
 
Nhà thiên văn học Geoffrey Bower tại viện Academia Sinica của Đài Loan (Trung Quốc), một thành viên của ETH, nhấn mạnh phát hiện chưa từng có tiền lệ này đã cải thiện đáng kể hiểu biết của giới khoa học về những điều xảy ra ở trung tâm Dải Ngân hà.
 
Trang Space.com đưa tin trong cuộc họp báo chung được tổ chức trên khắp thế giới cùng ngày, nhà vật lý thiên văn Feryal Özel tại Trường ĐH Arizona (Mỹ) đã bày tỏ vui mừng khi EHT chia sẻ hình ảnh đặc biệt nói trên.  
 
Bên cạnh hình ảnh về hố đen mới được phát hiện, các nhà thiên văn tham gia dự án EHT còn công bố 6 báo cáo phân tích kết quả. Dự kiến các báo cáo này sẽ được đăng tải chi tiết trong thời gian tới. 
 
Kể từ năm 1974, các nhà khoa học đã nhận định rằng một hố đen siêu khối lượng đang "ẩn náu" ở khu vực hỗn loạn của trung tâm Dải Ngân hà sau khi phát hiện một nguồn phát sóng vô tuyến bất thường từ khu vực này. Trong những năm 1990, giới thiên văn học đã vẽ lại bản đồ quỹ đạo của các ngôi sao sáng nhất và phát hiện ở trung tâm Dải Ngân hà có một vật thể siêu lớn, dù chưa thể khẳng định là hố đen. Thành quả này đã giúp hai nhà khoa học Reinhard Genzel và Andrea Ghez giành giải Nobel Vật lý vào năm 2020.
 
Trước đó, vào tháng 4/2019, ETH đã lần đầu chụp được hình ảnh của một hố đen ở thiên hà M87 cách Trái Đất 55 triệu năm ánh sáng, đánh dấu bước đột phá của ngành thiên văn học nói riêng và vật lý nói chung.
 
(Theo Baotintuc.vn)