(LĐ online) - Chiều 10/5, Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng tổ chức Hội đồng khoa học nghiệm thu nhiệm vụ “Nghiên cứu quy trình sản xuất sản phẩm cao lỏng và trà hòa tan từ cây đẳng sâm Việt Nam trồng tại tỉnh Lâm Đồng”.
|
Hội đồng khoa học đánh giá tinh thần làm việc nghiêm túc khoa học của nhóm nghiên cứu |
Đẳng sâm Việt Nam (Codonopis javania (Blume) Hook. f. & Thomson Campanulaceae) đã được trồng quy mô lớn tại Lâm Đồng do phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng. Việc trồng thành công loài sâm này đã góp phần đưa cây dược liệu quý này ra khỏi sách đỏ Việt Nam và mở ra triển vọng lớn phát triển dược liệu đặc sản của tỉnh. Đề tài “Nghiên cứu quy trình sản xuất sản phẩm cao lỏng và trà hòa tan từ cây đẳng sâm Việt Nam trồng tại tỉnh Lâm Đồng” mong muốn tạo ra một số sản phẩm chất lượng cao có thể trở thành đặc sản độc đáo, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương, và phục vụ nhu cầu phòng, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân.
Sau hơn 2 năm, mhóm các nhà khoa học đến từ Trường Đại học Tôn Đức Thắng do GS.TS. Nguyễn Minh Đức chủ trì đã tiến hành: nghiên cứu xây dựng quy trình thu hoạch, xử lý và bảo quản nguyên liệu đẳng sâm Việt Nam; quy trình sản xuất sản phẩm cao lỏng, quy trình bào chế trà hòa tan đẳng sâm Việt Nam; xây dựng các tiêu chuẩn cơ sở cho nguyên liệu, sản phẩm cao lỏng, trà hòa tan đẳng sâm Việt Nam; báo cáo đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội và khả năng thương mại hóa các sản phẩm.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học còn nghiên cứu hàm lượng dược chất của đẳng sâm, thời gian sinh trưởng, thu hái, các thành phần dưỡng chất với tác dụng bổ khí đối với sức khỏe con người, so sánh hàm lượng dược chất của đẳng sâm với các loại sâm trong khu vực và trên thế giới không kém nhiều nhưng giá thành rẻ hơn nhiều. Đẳng sâm có tác dụng tăng miễn dịch, kháng u, kháng viêm, chống tăng đường huyết, chống oxy hóa…
|
Sản phẩm cao lỏng, trà hoa tan đẳng sâm với bao bì hoàn chỉnh là kết quả của đề tài nghiên cứu |
Kết quả thu được: 5.860 gam sản phẩm cao lỏng đẳng sâm Việt Nam với thiết kế bao bì hoàn chỉnh, 5.413 gói trà hòa tan (2g/gói) đạt chất lượng theo tiêu chuẩn cơ sở. Theo dõi độ ổn định của cao lỏng và trà hoa tan cho thấy các sản phẩm đủ điều kiện để đăng ký là thực phẩm chức năng. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy đẳng sâm Việt Nam trồng tại Lâm Đồng có chất lượng tốt, các nhà khoa học đã kiến nghị tỉnh nên hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng quy mô trồng đẳng sâm, chuyển giao kết quả nghiên cứu để tiến hành sản xuất trên quy mô công nghiệp, hoàn chỉnh quy trình sản xuất, nhanh chóng thương mại hóa các sản phẩm cao lỏng, trà hòa tan đẳng sâm.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao tinh thần, phương pháp làm việc nghiêm túc, khoa học của nhóm nghiên cứu cùng những kết quả đạt được và hiệu quả thực tiễn, do đề tài mang lại là rất thiết thực, phù hợp với địa phương. Đồng thời, thẳng thắn chỉ ra những thiếu sót cần bổ sung, để nhanh chóng thương mại hóa các sản phẩm từ đẳng sâm Việt Nam tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và thị trường du lịch của Lâm Đồng, phục vụ chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.
QUỲNH UYỂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin