Nghiệm thu đề tài Đánh giá thực trạng tiếp cận các dịch vụ xã hội của lao động nữ trong khu vực phi chính thức trên địa bàn TP Đà Lạt

08:07, 21/07/2022
(LĐ online) - Chiều 20/7, Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng đã tổ chức hội đồng khoa học nghiệm thu đề tài “Đánh giá thực trạng tiếp cận các dịch vụ xã hội của lao động nữ trong khu vực phi chính thức trên địa bàn TP Đà Lạt”. 
 
Nhóm thực hiện đề tài báo cáo kết quả nghiên cứu
Nhóm thực hiện đề tài báo cáo kết quả nghiên cứu
 
Cùng với sự phát triển, Đà Lạt đang thu hút nhiều lao động từ các tỉnh, thành trong cả nước đến làm ăn, sinh sống, đặc biệt là lao động nữ tham gia vào các công việc như buôn bán nhỏ, dịch vụ du lịch, làm nông nghiệp thời vụ, xây dựng… 
 
Cuộc sống của lao động nữ và trẻ em là con của họ gặp nhiều khó khăn về tiếp cận những dịch vụ xã hội cơ bản như: Nhà ở, y tế, giáo dục, bảo hiểm, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tâm lý xã hội, lao động việc làm, nước sạch, thông tin.
 
Sau 2 năm tiến hành nghiên cứu bằng phương pháp điều tra, khảo sát, phân tích tài liệu thứ cấp, bảng hỏi, phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm, thực nghiệm… các giảng viên Trường Đại học Đà Lạt do ThS. Vũ Mộng Đóa làm chủ nhiệm đề tài đã tiến hành nghiên cứu các nội dung: Thực trạng và nhu cầu tiếp cận dịch vụ xã hội của lao động nữ phi chính thức, các yếu tố ảnh hưởng đến việc tiếp cận các dịch vụ xã hội của lao động nữ phi chính thức; xây dựng 3 mô hình thử nghiệm, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội của lao động nữ phi chính thức. 
 
Qua đó, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra: Việc tiếp cận các dịch vụ xã hội của lao động nữ phi chính thức tại Đà Lạt còn ở mức thấp do gặp khá nhiều rào cản. Nên cần hoàn thiện chính sách, đẩy mạnh bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình; tăng cường các chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm để nâng cao chất lượng lao động, năng suất lao động và tăng thu nhập cho lao động nữ khu vực kinh tế phi chính thức; xây dựng chính sách hỗ trợ và quản lý rủi ro trong cuộc sống nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng, đảm bảo an sinh xã hội cho họ; trợ giúp kỹ thuật để cải thiện điều kiện, môi trường làm việc nhằm ngăn chặn nguy cơ tai nạn, rủi ro…
 
Hội đồng nghiệm thu đã thẳng thắn chỉ ra những thiếu sót về số liệu thu thập chưa xác thực, về phương pháp luận khoa học xã hội, phương pháp tiếp cận, lý giải của nhóm thực hiện đề tài chưa khoa học. Cần điều chỉnh, bổ sung các số liệu, dữ liệu để hoàn thiện đề tài trong thời gian 20 ngày.
 
Kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở khoa học và thực tiễn để chính quyền địa phương, các cơ quan, đoàn thể thực thi chính sách an sinh xã hội nắm bắt một cách hệ thống vấn đề xã hội về lao động nữ phi chính thức, từ đó đề xuất các giải pháp hỗ trợ chị em phụ nữ lao động phi chính thức và những những đứa trẻ con của họ ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống, tiếp cận các dịch vụ xã hội, có cuộc sống an toàn, hạnh phúc.
 
QUỲNH UYỂN