Nghiên cứu khoa học cho thấy sức mạnh "chữa lành" của âm nhạc

06:07, 14/07/2022
Một thí nghiệm mới trên những chuột cho thấy việc nghe các giai điệu du dương có thể giúp cơ thể chịu đựng cơn đau thể xác dễ dàng hơn.
 
Nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học Mỹ và Trung Quốc cho thấy âm thanh giúp làm giảm cơn đau của những con chuột.
Nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học Mỹ và Trung Quốc cho thấy âm thanh giúp làm giảm cơn đau của những con chuột.
 
Có thể bạn sẽ ngạc nhiên với điều này, nhưng trong con mắt của các nhà khoa học, âm nhạc là một liệu pháp có khả năng chữa lành những vết thương của con người.
 
Nhiều nghiên cứu đã ủng hộ lợi ích của âm nhạc khi kết hợp với các phương pháp điều trị bệnh khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta lại không biết nhiều về cơ chế mà liệu pháp này vận hành. Âm nhạc rõ ràng là có thể mang lại lợi ích sinh lý, nhưng không rõ là bằng cách nào.
 
Để làm sáng tỏ bí ẩn này, một nhóm các nhà khoa học thần kinh từ Trung Quốc và Mỹ đã tiến hành những thí nghiệm khoa học đặc biệt trên loài chuột. Kết quả nghiên cứu của họ, được công bố vào cuối tuần trước trên tạp chí Science, cho thấy âm nhạc có thể được sử dụng như một loại thuốc giảm đau tiềm năng, mang đến giải pháp chi phí thấp, dễ tiếp cận, để thay thế cho các loại thuốc truyền thống.
 
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã tiêm vào chân sau của những con chuột thí nghiệm một loại chất kích thích thần kinh gây viêm và đau. Sau đó, họ thúc vào chân những con chuột và xem khi nào chúng cong người lại, qua đó đo đếm khả năng chịu đau của chúng.
 
Nhóm nghiên cứu tiếp tục phát nhiều loại âm thanh ở mức lớn hơn một chút so với tiếng ồn môi trường và quan sát xem âm thanh có ảnh hưởng đến khả năng chịu đau của chuột không. Có vẻ như những con chuột không mê nhạc cho lắm. Chúng có phản ứng khá giống nhau với nhạc cổ điển, nhạc lộn xộn không theo nhịp điệu và tiếng ồn đơn thuần.
 
Tuy nhiên dù là thể loại âm thanh nào thì vẫn có những yếu tố khác biệt đáng chú ý: Việc nghe âm thanh khiến mức độ đau của chuột giảm đáng kể và hiệu quả thậm chí kéo dài đến hai ngày sau khi nghe.
 
Khi có bằng chứng cho thấy liệu pháp âm nhạc có hiệu quả, các nhà nghiên cứu đã theo dõi tần số sóng não của những con chuột và ghi lại những vùng sáng lên khi chúng nghe nhạc. Từ đó, họ lần theo các phản xạ thông qua các vùng được gọi là tân vỏ não, đồi thị và thân não để tìm hiểu cách mà âm nhạc cạnh tranh với các tín hiệu đau truyền đến từ bàn chân.
 
Các tác giả chia sẻ trong bài báo: “Trong tương lai, những phát hiện này có thể thúc đẩy sự phát triển của các biện pháp can thiệp không xâm lấn để điều trị cơn đau.” 
 
Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng việc phát âm thanh ở mức 5 decibel dường như đã kích hoạt bản năng phòng thủ ở chuột. Bản năng này dường như đã làm những con chuột quan tâm hơn tới việc đối phó một mối đe dọa tiềm tàng, và tạm quên đi cơn đau.
 
Mặc dù vậy, các nhà khoa học chia sẻ rằng vẫn còn cần phải nghiên cứu sâu hơn trước khi có thể bắt đầu sử dụng âm nhạc như một liệu pháp giảm đau cho những bệnh nhân có nhu cầu.
 
Theo họ, sử dụng động vật gặm nhấm để nghiên cứu xem âm nhạc nói riêng, âm thanh nói chung, tác động tới cảm giác đau như thế nào sẽ mang tới nhiều thách thức không nhỏ. Một trong các thách thức là chúng ta không thể biết rõ động vật cảm thụ âm nhạc như thế nào.
 
Thách thức thứ hai là cơ chế thần kinh nằm dưới các liệu pháp giảm đau nhờ âm nhạc của con người chắc chắn sẽ phức tạp hơn rất nhiều những gì mà chúng ta đã quan sát thấy trên loài chuột.
 
 (Theo Vietnam+)