Sau hiện tượng nhật thực hồi tháng Tư, tàu vũ trụ MOM của Ấn Độ không còn nhận được ánh sáng Mặt Trời; điều này có thể đã khiến động cơ đẩy của tàu cạn năng lượng dẫn tới tàu dừng hoạt động.
Ảnh minh họa |
Ấn Độ đã mất liên lạc với tàu vũ trụ bay quanh quỹ đạo Sao Hỏa sau tám năm phóng thành công, đánh dấu lần đầu tiên một quốc gia châu Á đưa tàu vũ trụ lên quỹ đạo "hành tinh đỏ."
Theo Tổ chức nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO), dù chỉ được thiết kế với vòng đời dự kiến là sáu tháng nhưng tàu vũ trụ Mars Orbiter Mission (MOM) đã tồn tại suốt tám năm qua trên quỹ đạo Sao Hỏa và đưa về những thông tin khoa học quan trọng.
Thông báo của ISRO có đoạn nêu rõ sau hiện tượng nhật thực hồi tháng Tư, tàu vũ trụ MOM không còn nhận được ánh sáng Mặt Trời. Điều này có thể đã khiến động cơ đẩy của tàu cạn năng lượng dẫn tới tàu dừng hoạt động.
Tàu MOM được phóng lên vũ trụ vào năm 2013 và lên quỹ đạo Sao Hỏa vào năm 2014, đánh dấu Ấn Độ trở thành một trong số ít các quốc gia phóng thành công tàu vũ trụ lên quỹ đạo "hành tinh đỏ," cùng với Nga, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Chi phí cho vụ phóng là 4,5 tỷ rupee (73 triệu USD), chỉ bằng 1/6 so với con số 455 triệu USD mà Mỹ chi cho vụ phóng tàu vũ trụ lên Sao Hỏa diễn ra sau đó không lâu.
ISRO nêu rõ sứ mệnh đã mang lại những thành tựu khoa học quan trọng trong đó có những thông tin về thành phần khí tồn tại trong bầu khí quyển bao quanh Sao Hỏa. Tổ chức này nhấn mạnh tàu MOM sẽ luôn được nhắc đến như một kỳ tích về công nghệ và khoa học trong lịch sử khám phá các hành tinh.
Những năm gần đây, Ấn Độ đã thúc đẩy chương trình vũ trụ, trong đó phải kể đến sứ mệnh phóng tàu vũ trụ có người lái với sự hỗ trợ của Nga dự kiến diễn ra vào năm 2023 hoặc 2024.
(Theo Vietnam+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin