(LĐ online) - Chiều 29/12, Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng đã tổ chức Hội đồng khoa học nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu quản lý tổng hợp bọ xít muỗi hại trên một số cây trồng chủ lực (bơ, điều, chè, cà phê chè) tại Lâm Đồng và phụ cận” với sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp.
|
Chủ tịch Hội đồng khoa học đánh giá cao kết quả của đề tài |
Những năm gần đây, việc mở rộng diện tích, tập trung các cây trồng có giá trị kinh tế cao cùng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, một số loài sinh vật đã bùng phát gây hại, ảnh hưởng lớn đến sản xuất. Trong đó, bọ xít muỗi đã trở thành loài côn trùng gây hại nghiêm trọng trên nhiều cây trồng như điều, cà phê chè, bơ… ở Lâm Đồng và nhiều tỉnh vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Năm 2016 - 2017, ở Lâm Đồng dịch bọ xít muỗi, bọ vòi voi, bùng phát làm 29.245,4 ha cây điều, 1.268 ha cà phê bị nhiễm sâu bệnh, gây cháy đọt non, cháy khô đen chùm hoa, chùm quả, nhiều diện tích còn bị cháy cả lá, trơ cành và cây chết đứng, gây thiệt hại kinh tế hàng ngàn tỷ đồng.
Vì vậy, việc nghiên cứu quản lý tổng hợp bọ xít muỗi hại trên một số cây trồng chủ lực (điều, chè, bơ và cà phê chè) tại Lâm Đồng và phụ cận trong đó tập trung đánh giá ảnh hưởng của điều kiện khí hậu thời tiết, các loài gây hại chính, đặc điểm sinh học, sinh thái học của loài gây hại chính và đề xuất các biện pháp phòng chống theo hướng tổng hợp, hiệu quả, an toàn, thân thiện với môi trường góp phần ổn định sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế là vấn đề lớn đặt ra.
Sau gần 4 năm thực hiện đề tài (2019 – 2022), nhóm các nhà khoa học của Viện Bảo vệ thực vật (thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) do TS. Lại Tiến Dũng làm chủ nhiệm đã tiến hành nghiên cứu lần lượt trả lời các câu hỏi: Bọ xít muỗi là con gì, đặc tính sinh học của nó như thế nào, tiêu diệt nó bằng cách nào để không ảnh hưởng đến cây trồng. Qua đó xác định được các giải pháp khoa học và công nghệ để quản lý tổng hợp bọ xít muỗi trên một số cây trồng chủ lực (điều, chè, bơ và cà phê chè) có hiệu quả và bền vững.
Sau khi đánh giá được ảnh hưởng của điều kiện khí hậu và hệ thống canh tác đến diễn biến và mức độ gây hại của bọ xít muỗi; xác định được đặc điểm sinh học, sinh thái học cơ bản của bọ xít muỗi tại Lâm Đồng và phụ cận; các nhà khoa học đã đi sâu nghiên cứu các biện pháp phòng trừ bọ xít muỗi và xây dựng quy trình quản lý tổng hợp và đề ra các biện pháp phòng trừ.
Các chuyên gia, nhà khoa học đã thẳng thắn, góp ý các vấn đề về: Liều lượng phân bón cho 4 loại cây trồng chủ lực (bơ, điều, chè, cà phê chè), sử dụng các loại phân bón sinh học, hóa học; làm rõ việc áp dụng các biện pháp bảo vệ đối với từng loại cây trồng…
Hội đồng khoa học đã ghi nhận sự nỗ lực, làm việc khoa học, trách nhiệm của các nhà nghiên cứu, đồng thời đánh giá hoàn thành nhiệm vụ đề tài đặt ra.
QUỲNH UYỂN