Nhiều ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong phát triển kinh tế, xã hội

06:12, 29/12/2022
(LĐ online) - Trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã đạt được những thành tựu quan trọng trong ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ, đóng góp trực tiếp và hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và Lâm Đồng nói riêng.
 
Nhiều ứng dụng từ kỹ thuật hạt nhân được triển khai và mang lại hiệu quả trong thực tiễn
Nhiều ứng dụng từ kỹ thuật hạt nhân được triển khai và mang lại hiệu quả trong thực tiễn
 
Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng, kỹ thuật hạt nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng trong một số lĩnh vực, đặc biệt trong điều chế đồng vị phóng xạ, phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh, ứng dụng công nghệ bức xạ trong công nghiệp, nông nghiệp và kiểm tra không phá hủy mẫu. 
 
Hiện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có một số cơ sở nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng kỹ thuật hạt nhân như Viện Nghiên cứu hạt nhân, Trung tâm ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp, Trường Đại học Đà Lạt, Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng (Khoa Y học hạt nhân), Cảng Hàng không quốc tế Liên Khương, Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng, Công ty Bia Sài Gòn, 3 cơ sở ứng dụng kỹ thuật phân tích huỳnh quang tia X nhằm xác định tuổi vàng và trên 70 cơ sở y tế có sử dụng các thiết bị X-quang phục vụ khám chẩn đoán và điều trị bệnh.
 
Viện Nghiên cứu hạt nhân – cơ sở duy nhất có lò phản ứng hạt nhân của Việt Nam thực hiện nghiên cứu và điều chế các sản phẩm từ phóng xạ. Những năm qua, Viện Nghiên cứu hạt nhân đã đạt nhiều thành tựu trong công tác nghiên cứu, điều chế đồng vị và dược chất phóng xạ phục vụ các cơ sở y tế có khoa y học hạt nhân trong việc khám chẩn đoán, điều trị bệnh ung thư. 
 
Ông Nguyễn Kiên Cường – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân cho biết, trong năm 2022, Viện đã tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong nhiều lĩnh vực. Trong đó, nổi bật nhất là điều chế, cung cấp các thuốc phóng xạ và kit đánh dấu cho các bệnh viện trong nước (23 bệnh viện) với tần suất 1 tuần một lần, tổng cộng khoảng 1.166 Ci dược chất phóng xạ các loại và 2.520 lọ kit đã được cung cấp. Từ tháng 7/2022, Viện đã khôi phục lại việc xuất khẩu thuốc phóng xạ sang Campuchia sau gần 1 năm gián đoạn; trong 6 tháng cuối năm 2022, Viện xuất khẩu 7,8 Ci dược chất phóng xạ sang Campuchia.
 
Các dịch vụ đo liều cá nhân, kiểm chuẩn, kiểm định thiết bị cho các cơ sở bức xạ và kiểm xạ cho các sơ sở sử dụng nguồn phóng xạ vẫn được duy trì; dịch vụ phân tích đã thực hiện khoảng 3.000 mẫu với khoảng 30.000 chỉ tiêu, trực tiếp phục vụ xuất khẩu nông sản và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nội địa, đánh giá và chứng nhận VietGAP; dịch vụ phân tích mẫu môi trường, đánh giá hàm lượng phóng xạ của 1.650 mẫu nước, lương thực, thực phẩm xuất khẩu…; dịch vụ quan trắc phóng xạ môi trường, đánh giá tác động môi trường, khảo sát bồi lắng… cũng được thực hiện.
 
Trong lĩnh vực công nghệ bức xạ và công nghệ sinh học, một số sản phẩm như chế phẩm Olicide từ chitosan để phòng và trừ nấm bệnh cho cây trồng, chế phẩm kích thích tăng trưởng thực vật được chiết xuất từ rong biển kết hợp với công nghệ nano; cung cấp các giống lan nuôi cấy mô, cung ứng cây giống; tiêu bản sai hình nhiễm sắc thể phục vụ dạy học cũng được khách hàng tin tưởng sử dụng.
 
Bên cạnh đó, Viện cũng tiếp tục duy trì và đã tổ chức 13 khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức an toàn bức xạ cho nhân viên của các cơ sở bức xạ trong nước mặc dù điều kiện không được thuận lợi do dịch bệnh Covid-19 kéo dài. 
 
Xây dựng chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật và ứng dụng các thành tựu đạt được trong những năm vừa qua của Viện đã có nhiều kết quả áp dụng vào triển khai dịch vụ và sản xuất. Viện cũng đã hợp tác nghiên cứu và đưa vào ứng dụng sản xuất cây giống theo phương pháp gây tạo đột biến bằng kỹ thuật chiếu хạ tia gamma đối với các giống hoa lan nhện, hoa mắt mèo, hoa cúc, hoa hồng, hoa salem, và kỹ thuật nuôi cấy mô đối với giống hoa cúc, hoa cẩm chướng, hoa salem để đưa vào sản xuất và cung cấp cho thị trường với quy mô lớn; nghiên cứu tạo ra các giống mới (có bản quyền) về các loại hoa, cây ăn quả dựa trên các nguồn giống nhập ngoại bằng kỹ thuật đột biến phóng xạ. 
 
Các cán bộ chuyên môn của Viện cũng tiến hành nghiên cứu phương pháp và đưa vào sử dụng công nghệ bảo quản nông sản sau thu hoạch, nghiên cứu để tăng cường tỷ lệ nảy mầm và khả năng kháng bệnh cao đối với các loại hạt giống rau, hoa bằng phương pháp chiếu xạ tia gamma phục vụ cho hoạt động xuất khẩu hoa tươi, cây giống hoa chất lượng cao ra thị trường quốc tế cũng như trong nước; và phối hợp nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm vi sinh để ứng dụng cải tạo đất trồng phục vụ cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp trên quy mô lớn…
 
Theo ông Nguyễn Kiên Cường, sau thời gian gián đoạn do tác động của dịch bệnh Covid-19, Viện Nghiên cứu hạt nhân đặt mục tiêu trong thời gian tới đẩy mạnh tất cả các hướng nghiên cứu theo lộ trình có trọng tâm, trọng điểm; quan tâm nhiều hơn đến các hướng nghiên cứu đang gặp khó khăn nhằm từng bước tháo gỡ, thúc đẩy sự phát triển đồng bộ trong Viện. Đồng thời, tổ chức mở thêm một số hướng/nhóm hợp tác nghiên cứu mạnh, như: Hướng nghiên cứu về điều chế thuốc để điều trị bệnh ung thư bằng các kỹ thuật hạt nhân và liên quan; hướng về chỉ định nguồn, truy xuất nguồn gốc ô nhiễm môi trường, truy xuất nguồn gốc động, thực vật và biến đổi khí hậu… 
 
Phát huy các giá trị về tiềm lực khoa học đã được xây dựng gần 60 năm qua, Viện Nghiên cứu hạt nhân sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật hạt nhân vào các lĩnh vực có thế mạnh của Viện như sản xuất và cung cấp thuốc phóng xạ, dịch vụ phân tích mẫu, dịch vụ đo liều cá nhân và kiểm chuẩn thiết bị, quan trắc và đánh giá tác động môi trường, sản xuất và cung cấp các chế phẩm phục vụ nông nghiệp, chứng nhận sản phẩm, VietGAP… Từ đó tiếp tục góp phần nâng cao vai trò, vị thế của ngành hạt nhân đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước./.
 
HỒNG THẮM