(LĐ online) - Công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ, hạt nhân được chú trọng thực hiện nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe con người và môi trường, phát huy hiệu quả trong các nghiên cứu, ứng dụng vào thực tiễn đời sống cũng như phát triển kinh tế - xã hội.
|
Kiểm tra các thiết bị bức xạ phục vụ soi chiếu an ninh tại Cảng hàng không Liên Khương |
Bà Phạm Thị Nhâm - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết, bức xạ, hạt nhân ngày càng được sử dụng rộng rãi trong hoạt động tại các cơ sở y tế, các tổ chức, đơn vị liên quan đến kiểm định, đo lường chất lượng, các nhà máy sản xuất với quy mô công nghiệp hoặc các cảng hàng không để soi chiếu…
Tuy nhiên, việc sử dụng bức xạ, các nguồn phóng xạ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Chính vì vậy, trong năm 2022, Sở KH&CN đã tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ, hạt nhân.
Đơn vị đã tăng cường công tác thông tin, truyền thông báo, đài và trang thông tin điện tử của ngành, thiết kế nội dung và in ấn 4.000 tờ rơi để gửi đến các tổ chức, cá nhân có nguồn phóng xạ, bức xạ và các tổ chức cá nhân có liên quan để biết, nhận diện các nguồn có nguy cơ và quy trình ứng phó.
Đồng thời, nâng cao nhận thức và kỹ năng cho 71 tổ chức, cá nhân sử dụng thiết bị bức xạ và 9 đơn vị có nguồn phóng xạ trên đại bàn tỉnh Lâm Đồng cũng như việc chấp hành các quy định của nhà nước cụ thể Nghị định số 142/2020/NĐ-CP ngày 9/12/2020 của Chính phủ về việc tiến hành công việc bức xạ và các hoạt động liên quan đến dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử.
Hằng năm, đơn vị tiến hành kiểm kê để xác nhận hiện trạng các nguồn phóng xạ, kiểm tra một số nội dung có liên quan đến công tác quản lý an toàn bức xạ và đánh giá nguy cơ, sự cố bức xạ và hạt nhân đối nguồn phóng xạ; đảm bảo an ninh trong việc sử dụng, lưu giữ nguồn phóng xạ theo quy định hiện hành.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 1.130 nguồn phóng xạ và 43 thiết bị bức xạ. Trong đó có 239 nguồn phóng xạ đang sử dụng và 891 nguồn phóng xạ đang được lưu giữ.
Qua kiểm tra tất cả các nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ đều hiện diện đầy đủ tại các đơn vị. Hầu hết các đơn vị đều chấp hành nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành trong hoạt động quản lý sử dụng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ.
Các cơ sở đều thực hiện tốt việc đăng ký cấp phép sử dụng và lưu trữ nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ, tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về năng lượng nguyên tử như: nhân viên phụ trách vận hành thiết bị đều được đào tạo, huấn luyện về an toàn bức xạ theo định kỳ; thực hiện kiểm soát liều chiếu xạ cá nhân cho các nhân viên bức xạ; khám sức khỏe định kỳ để theo dõi sức khỏe của nhân viên bức xạ; xây dựng kế hoạch ứng phó với sự cố bức xạ tại cơ sở; thường xuyên đo kiểm xạ tại khu vực sử dụng thiết bị, kiểm đếm nguồn phóng xạ theo định kỳ, trang bị hệ thống camera đảm bảo an ninh nguồn phóng xạ; lưu hồ sơ ghi chép đầy đủ hoạt động vận hành và bảo dưỡng nguồn phóng xạ và thiết bị bức xạ…
Trong năm 2022, Sở KH&CN cấp mới và cấp gia hạn giấy phép tiến hành công việc bức xạ - sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế cho 30 cơ sở và 19 chứng chỉ nhân viên bức xạ (đối với người phụ trách an toàn cơ sở X-quang chẩn đoán trong y tế).
Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về an toàn bức xạ trên địa bàn tỉnh, Sở KH&CN cũng đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, góp ý các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ KHCN dự thảo; xây dựng quy trình giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; kiện toàn Ban chỉ huy Ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân; xây dựng kế hoạch triển khai công tác an toàn bức xạ hạt nhân, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử…
Theo bà Phạm Thị Nhâm, đơn vị sẽ tiếp tục thông tin, tuyên truyền các văn bản mới ban hành về an toàn bức xạ; kiểm kê các nguồn phóng xạ, bức xạ và đánh giá các nguy cơ về sự cố; kiểm tra định kỹ và đột xuất các đơn vị sử dụng các nguồn bức xạ và phóng xạ, cũng như việc chấp hành các quy định theo Luật năng lượng nguyên tử; tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Hiện nay, để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh nhất là liên quan đến các thủ tục hành chính về bức xạ, hạt nhân, Sở KH&CN đã rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực năng lượng nguyên tử, trong đó, tổng thời gian cắt giảm là 35/110 ngày (chiếm tỷ lệ trên 31%). Ngoài ra, Sở KH&CN còn chủ động thực hiện nhiệm vụ kiểm soát, cập nhật bản đồ phông phóng xạ và đánh giá an toàn bức xạ các điểm trọng yếu trên địa bàn.
HỒNG THẮM