(LĐ online) - Nhờ đa dạng cây trồng, đặc biệt là sản xuất cây dược liệu, rau, hoa theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, bà con dân tộc thiểu số ở xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no.
Mô hình sản xuất đa canh của ông ông Ha Thanh, ở thôn 1, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương |
Trên vườn cây xanh mướt rộng hơn 2ha đa canh, xen canh cà phê, dược liệu atisô, đậu, bắp và rau xanh các loại…, ông Ha Thanh, ở thôn 1, xã Đạ Sar đang bật máy tưới rau. Ông Ha Thanh kể: “Trước đây, gia đình độc canh cây cà phê nên thu nhập bấp bênh. Từ ngày chuyển đổi, canh tác nhiều loại cây trồng, thu nhập của gia đình đã tăng cao gấp nhiều lần. Đời sống so với trước đã khá lên rất nhiều, kinh tế ổn định và làm ăn được. Không như trước đây, vì chưa biết khoa học - kỹ thuật nên làm ăn rất khó, không phát triển được. Giờ qua thường xuyên dự các lớp tập huấn, nắm bắt được các tiến bộ khoa học - kỹ thuật nên việc sản xuất mang lại hiểu quả cao”.
Cũng như ông Ha Thanh, người K’Ho ở xã Đạ Sar đang thay đổi cách tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị hàng hóa. Ngoài diện tích cây dài ngày như cà phê, mắc ca, cây ăn quả…, xã đã phát triển được 2.400ha rau, gần 850ha hoa, 25ha cây atisô, hơn 10 ha dâu tây… Đây là những loại cây đòi hỏi kỹ thuật canh tác cao hơn, nhưng mang lại nguồn thu nhập ổn định, giá trị kinh tế cao. Già làng Kră Jăn Ha Đời, ở thôn 3 xã Đạ Sar cho biết: “Khi các cấp ủy Đảng, chính quyền tuyên truyền về chuyển đổi canh tác, chung sức xây dựng xây dựng nông thôn mới, bà con đã hưởng ứng rất tích cực và làm theo. Trước đây, do chỉ trồng cây cà phê nên thu nhập bấp bênh. Giờ chuyển sang trồng lagim, cây dược liệu, rau, hoa các loại nên đời sống đã khấm khá hơn rất nhiều. Bà con rất phấn khởi và tin tưởng vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đời sống khá lên thì vui xuân, đón tết đều được mọi người tổ chức no đủ”.
Bộ mặt nông thôn xã Đạ Sar đã và đang phát triển đi lên từng ngày |
Theo ông Cill Nim - Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Sar, cùng với thay đổi nhận thức trong canh tác, sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã giúp Đạ Sar nhanh chóng đạt chuẩn nông thôn mới vào 5 năm trước. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã theo tiêu chí mới chỉ còn 2%. “Từ sự nỗ lực của người dân, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền cộng với các chương trình hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đối với công tác giảm nghèo nên đến năm 2020 toàn xã không còn hộ nào nghèo. Theo tiêu chí trong giai đoạn mới, xã có 54 hộ nghèo và 109 hộ cận nghèo. Xã đang tập trung tạo mọi điều kiện thuận lợi để những hộ này tiếp cận được với khoa học - kỹ thuật, thay đổi cách thức làm ăn để vượt lên chính mình, giảm nghèo và vươn lên cải thiện cuộc sống”, ông Cill Nim nói.
Với những chuyển biến trong cách nghĩ, cách làm của người dân, cộng với sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, tin tưởng rằng kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc thiểu số Đạ Sar sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin