Đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp tết

THÂN THU HIỀN 08:29, 18/01/2023

(LĐ online) - Những ngày cận kề Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, hoạt động sản xuất, kinh doanh diễn ra sôi động hơn. Để bình ổn thị trường hàng hóa và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý Thị trường (QLTT) tỉnh Lâm Đồng đã và đang tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Đội QLTT số 2 tăng cường công tác kiểm tra thị trường dịp cuối năm
Đội QLTT số 2 tăng cường công tác kiểm tra thị trường dịp cuối năm

KIÊN QUYẾT XỬ LÝ

Thời điểm này, tại các siêu thị, chợ và cửa hàng, hàng hóa được bày bán dồi dào, phong phú về nhiều chủng loại nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm tết của người dân. Sức mua cũng bắt đầu tăng mạnh ở những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp tết như rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, mứt, thuốc lá, quần áo, giày dép… 

Ông Nguyễn Hùng - Chủ cửa hàng tạp hóa Hùng Sinh (thị trấn Liên Nghĩa) cho biết: “Để chủ động nguồn hàng cũng như ổn định giá cả, chúng tôi nhập hàng từ các công ty lớn, nhà phân phối uy tín. Hàng hóa luôn đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Năm nay, hàng hóa rất dồi dào, đa dạng và giá về cơ bản không tăng. Bây giờ, tâm lý và xu hướng tiêu dùng của người dân ngày càng được nâng cao, họ rất chú trọng đến thương hiệu, xuất xứ hàng hóa. Do đó, nếu họ phát hiện có sự trà trộn hàng kém chất lượng thì cửa hàng sẽ mất uy tín, khách hàng sẽ rời xa ngay”.

Nhằm bảo đảm ổn định thị trường, tạo môi trường lành mạnh cho sản xuất, kinh doanh phát triển, Đội QLTT số 2 phụ trách các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông và Đơn Dương đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Các mặt hàng tập trung kiểm tra, bao gồm hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng các mặt hàng phục vụ tiêu dùng trong dịp tết như bánh, mứt, kẹo, rượu...

Tuyên truyền cho người dân ký cam kết
Tuyên truyền cho người dân ký cam kết

Ông Kiều Xuân Phúc – Đội trưởng Đội QLLT số 2 cho biết: Đội phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, ban quản lý các chợ đầu mối đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền phù hợp với tình hình thị trường để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của thương nhân, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của nhà sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng. Thực hiện cam kết đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Năm 2022, Đội đã kiểm tra 286 vụ; trong đó, đột xuất 37 vụ, theo kế hoạch 249 vụ; tổng số vụ vi phạm 144 vụ; số vụ xử lý 144; số hành vi 146. Tổng số tiền phạt hành chính là 831 triệu đồng (vượt 104% so với chỉ tiêu); phạt truy thu hơn 22 triệu đồng và nộp ngân sách Nhà nước hơn 853 triệu đồng.

Trong năm, các mặt hàng vi phạm phổ biến chủ yếu ở các lĩnh vực giá, điều kiện trong kinh doanh và về vệ sinh an toàn thực phẩm.

QUYẾT TÂM “LÀM SẠCH” THỊ TRƯỜNG

Ông Phạm Văn Cường - Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Lâm Đồng khẳng định: Để chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, Cục QLTT tỉnh đã ban hành kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2022, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

Cục QLTT tỉnh đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm
Cục QLTT tỉnh đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm

Ngoài tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đến tổ chức cá nhân kinh doanh hàng hoá và người tiêu dùng để nâng cao ý thức pháp luật trong hoạt động kinh doanh và văn hoá tiêu dùng, các Đội QLTT cũng tăng cường kiểm tra và xử lý sai phạm đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn như hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giầy dép, lương thực, thực phẩm tươi sống, gia súc gia cầm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, bánh kẹo, hoa quả, rượu bia, thuốc lá… 

Đặc biệt kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vận chuyển, buôn bán pháo nổ, pháo hoa các loại; tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử.

Năm 2022, các sở, ngành chức năng thuộc Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 3.285 vụ. Trong đó, tổng số vụ vi phạm, xử lý là 2.424 vụ/2.453 đối tượng; vi phạm hành chính 2.401 vụ/2.415 đối tượng. Về hình sự, xử lý 23 vụ/38 đối tượng với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là trên 30 tỷ đồng, truy thu thuế trên 62 tỷ đồng. 
Riêng lực lượng quản lý thị trường năm 2022 đã tiến hành kiểm tra 1.557 vụ, phát hiện 1.048 vụ vi phạm, xử phạt trên 1,8 tỷ đồng. Trong đó, xử lý 737 vụ vi phạm về niêm yết giá; 138 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm; thương mại điện tử, xử phạt 8 vụ; 4 vụ buôn bán,vận chuyển hàng hàng cấm, hàng giả…

Đặc biệt, tập trung kiểm tra, kiểm soát địa bàn trọng điểm, tuyến trọng điểm như tại các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, siêu thị, chợ chuyên doanh, chợ dân sinh, các tuyến phố buôn bán sầm uất, các cơ sở sản xuất, các tuyến đường Quốc lộ 20, 27, 28 nhất các địa bàn trọng điểm TP Đà Lạt, Bảo Lộc, huyện Đức Trọng; chú trọng kiểm tra việc niêm yết giá, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán.