Liên tục từ tháng 12/2022 - 3/2023, Công ty TNHH Trang trại Trường Phúc (xã Lát, huyện Lạc Dương) sẽ thực hiện xuất khẩu 8 container, loại 20 feet với tổng sản lượng 30 tấn rau xà lách các loại sang thị trường Malaysia. Đây cũng là những chuyến hàng xuất khẩu rau xanh đầu tiên trực tiếp từ tỉnh Lâm Đồng sang thị trường Malaysia, qua đó mở ra nhiều tiềm năng để nông sản Lâm Đồng tiếp cận thị trường còn nhiều mới mẻ này.
Công ty TNHH Trang trại Trường Phúc trồng các loại xà lách để xuất khẩu sang Malaysia |
Những ngày cuối năm 2022, chúng tôi đến trang trại sản xuất của Công ty TNHH Trang trại Trường Phúc tại xã Lát, huyện Lạc Dương khi doanh nghiệp đang tất bật với các công việc thu hoạch, sơ chế và đóng gói 3,5 tấn xà lách để kịp thời xuất khẩu sang thị trường Malaysia.
Anh Tô Quang Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Trang trại Trường Phúc cho biết: Bắt đầu từ thời điểm tháng 5/2022, doanh nghiệp đã tiến hành đàm phán với các đối tác đến từ Malaysia để thực hiện việc xuất khẩu các loại rau xà lách. Cũng trong thời gian này, các đối tác từ Malaysia đã 2 lần đến trực tiếp tại các farm sản xuất của doanh nghiệp để có các hoạt động đánh giá thực tế như lấy mẫu đất, mẫu nước và mẫu sản phẩm rau thử nghiệm để đưa về phân tích các tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
Sau khi có kết quả an toàn, các đối tác mới tiến hành ký hợp đồng để công ty sản xuất. Đến tháng 9/2022, doanh nghiệp đã bắt đầu xuống giống các loại rau xà lách để cung ứng theo hợp đồng đã ký kết cho khách hàng. Riêng các hoạt động từ lúc xuống giống sản xuất cho đến khi thu hoạch, sơ chế, đóng gói đều được sự giám sát thường xuyên, chặt chẽ của phía đối tác Malaysia.
Cụ thể, theo hợp đồng đã ký kết, các đối tác từ Malaysia đã đặt hàng với số lượng khoảng 30 tấn rau xà lách với giá thành 2,8 USD/kg. Trong đó, đều đặn mỗi tháng, doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm sản xuất, thu hoạch và vận chuyển 2 container để xuất khẩu bằng đường biển sang Malaysia.
Theo anh Tô Quang Dũng, để đáp ứng được các tiêu chí, tiêu chuẩn xuất khẩu qua thị trường Malaysia không khó. Trong đó, yếu tố chất lượng là điều kiện tiên quyết, bao gồm chất lượng về hóa lý, côn trùng và đặc biệt là ngoại quan của sản phẩm. Riêng đối với công ty, hiện nay, quy trình từ sản xuất và đóng gói gần như là khép kín. Mặt khác, một yếu tố thuận lợi nữa là xà lách của công ty xuất sang Malaysia bằng đường biển với hải trình từ 3 - 4 ngày, rút ngắn một nửa thời gian so với các thị trường công ty đã xuất khẩu trước đây như Hàn Quốc.
Điều này đồng nghĩa, rau xà lách sau khi được công ty thu hoạch sẽ đưa vào các túi và xử lý lạnh xuyên tâm để hạ nhiệt nhanh. Do đó sẽ không làm ảnh hưởng tới các tế bào rau, cùng với thời gian vận chuyển ngắn sẽ giúp rau vẫn đảm bảo chất lượng cao.
Qua thực tế khảo sát từ thị trường Malaysia, hiện nay, doanh nghiệp chỉ mới đáp ứng được chưa đến 3% nhu cầu sản lượng của các đối tác. Điều này đã và đang mở ra cơ hội rất lớn để Công ty TNHH Trang trại Trường Phúc nói riêng và các doanh nghiệp xuất khẩu rau, củ, quả trong tỉnh Lâm Đồng nói chung mở rộng thị trường, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu nông sản sang thị trường Malaysia.
Riêng đối với Công ty TNHH Trang trại Trường Phúc, trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để tiếp tục duy trì và mở rộng nguồn khách hàng; đồng thời, doanh nghiệp cũng mở rộng liên kết với nhiều hộ sản xuất theo chuỗi để đủ sản lượng hàng cung ứng theo hợp đồng. Mặt khác, doanh nghiệp cũng đang làm việc với cảng Cam Ranh để tiến hành xuất hàng từ cảng thay cho đường vận chuyển Đà Lạt - Cảng Cát Lái, qua đó giảm 1/3 chi phí vận chuyển.
Theo thống kê, tại TP Đà Lạt và các vùng phụ cận như Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng hiện có khoảng gần 30 ha sản xuất rau thủy canh các loại. Thị trường tiêu thụ chính hiện nay chủ yếu qua các kênh tiêu thụ ở siêu thị, các cửa hàng rau sạch và bán trực tiếp cho người tiêu dùng bằng hình thức giao hàng tận nơi. Tuy nhiên, hiện việc sản xuất và thị trường tiêu thụ các loại rau thủy canh gặp nhiều khó khăn do giá thành sản xuất tăng cao khiến giá bán buộc phải nâng lên, rất kén người tiêu dùng. Chính vì vậy, việc mở rộng thị trường xuất khẩu rau thủy canh sẽ giúp người dân và các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất.
Theo Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, trong tháng 11/2022, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng rau quả trong tỉnh ước đạt 2,9 ngàn tấn và đạt 5,24 triệu USD, tăng 27,93% về lượng và 17,75% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Còn lũy kế trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu rau, củ, quả ước đạt 28,6 ngàn tấn và 57,69 triệu USD, tăng 18,5% về lượng và 21,5% về giá trị so với cùng kỳ. Thị trường xuất khẩu chính của nhóm hàng này chủ yếu là các nước Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore và một số nước khác.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin