Đồng Nai Thượng là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Cát Tiên với 88% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Người dân nơi đây chủ yếu gắn bó với ruộng vườn, nương rẫy, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Để nâng cao thu nhập, nhiều nhà nông đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư sản xuất hiệu quả, tiêu biểu là nông hộ Điểu K’Nhôm ở thôn Bù Sa.
Anh Điểu K’Nhôm bên vườn tiêu phát triển tốt tại Đồng Nai Thượng |
Tiếp chúng tôi trong căn nhà xây dựng kiên cố khang trang, nhà nông Điểu K’Nhôm niềm nở cho biết, anh sinh năm 1982 và lớn lên trong một gia đình dân tộc Mạ bản địa. Tuổi thơ của anh và gia đình luôn gắn với cái đói, cái nghèo khi quanh năm vất vả lao động trên nương rẫy nhưng chủ yếu sản xuất theo lối truyền thống và mang tính tự cung, tự cấp là chính, đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Năm 2005, anh lập gia đình và được bố mẹ cho ra ở riêng trong một căn nhà tranh tạm bợ. Những năm đầu, cuộc sống vợ chồng anh gặp rất nhiều khó khăn, khi phải vất vả phát quang diện tích rẫy hoang vu cằn cỗi được gia đình chia để trồng cây điều và đan xen trồng bắp, sắn... Sau 4 năm, cây điều cho thu hoạch nhưng hiệu quả kinh tế đem lại không cao, nên gia đình anh và người dân địa phương thường bán điều non với giá thấp.
Với quyết tâm vươn lên thoát nghèo, nhà nông Điểu K’Nhôm đã trăn trở, tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế nhằm cải thiện cuộc sống. Năm 2010, nhận thấy trồng cây cà phê và cây tiêu phù hợp với địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương, đem lại giá trị kinh tế cao nên anh đã quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Với số vốn tích lũy được và nguồn vốn vay từ Hội Nông dân để phát triển kinh tế, anh đã tìm hiểu về kỹ thuật chăm sóc cây cà phê và cây tiêu; từ đó, vợ chồng anh quyết định phá bỏ diện tích điều hiện có, cải tạo đất trồng cà phê, cây tiêu và trồng xen bắp, sắn. Sau 3 đến 4 năm, đất không phụ lòng người, hiện nay với diện tích hơn 2 ha cây cà phê, hàng năm cho gia đình anh thu nhập rất ổn định. Mùa vụ vừa qua, gia đình anh Điểu K’Nhôm thu được gần 7 tấn cà phê nhân, anh đã đầu tư mua máy bóc hạt lấy cà phê nhân, qua đó nâng cao giá trị nông sản với nguồn thu hơn 280 triệu đồng. Cùng với đó, gia đình anh trồng hơn 400 gốc tiêu trên diện tích hơn 6 sào, mùa trước, anh đã thu hơn 1 tấn tiêu và bán cho thương lái, thu về gần 85 triệu đồng. Ngoài ra, trên diện tích vườn rẫy, anh Điểu K’Nhôm đang trồng đan xen hơn 300 cây sầu riêng phát triển tốt, hơn 1 năm nữa, cây sẽ cho thu hoạch và đời sống thu nhập kinh tế sẽ được nâng cao hơn. Không chỉ sản xuất giỏi, hiện nay gia đình anh Điểu K’Nhôm cũng đang đầu tư kinh doanh quán nước và bàn bida tại địa phương.
Anh Điểu K’ Nhôm chia sẻ, hiện nay, trung bình mỗi năm, tổng thu nhập của gia đình anh là gần 400 triệu đồng. Với điều kiện kinh tế “có của ăn, của để”, gia đình anh đã hỗ trợ, giúp đỡ để nhiều người dân địa phương đầu tư sản xuất vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ông Lê Quang Chường - Chủ tịch UBND xã Đồng Nai Thượng cho biết, từ một hộ nghèo trong xã, với quyết tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư sản xuất, kinh doanh, đến nay, gia đình anh Điểu K’Nhôm đã có thu nhập cao, xây được nhà cửa khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi, trở thành một trong những hộ gia đình khá giả nhất trong vùng đồng bào Mạ trên địa bàn. Anh Điểu K’Nhôm là tấm gương sáng cho nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc tại chỗ vươn lên bằng nghị lực của chính bản thân, thoát nghèo từ hai bàn tay trắng, về tinh thần vượt lên khó khăn, quyết tâm thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Qua đó góp phần đẩy mạnh phong trào hội viên nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin