Theo dấu chân Halal

DIỆP QUỲNH  00:24, 25/01/2023

Halal, chứng chỉ bắt đầu được nhiều doanh nghiệp Lâm Đồng xây dựng, với mục tiêu đưa hàng hóa Lâm Đồng sang một thị trường rộng lớn: các quốc gia Hồi giáo và các thị trường có người Hồi giáo cư trú. Theo hành trình phát triển của doanh nghiệp và luồng xuất khẩu hàng hóa, Halal đang trở thành một trong những điều kiện để doanh nghiệp vươn xa hơn.

Khoai lang tươi xuất khẩu sang thị trường Hồi giáo - sản phẩm thế mạnh của Công ty Viên Sơn
Khoai lang tươi xuất khẩu sang thị trường Hồi giáo - sản phẩm thế mạnh của Công ty Viên Sơn

 MỞ ĐƯỜNG VÀO THỊ TRƯỜNG HỒI GIÁO

Công ty Cổ phần Viên Sơn đóng trên địa bàn huyện Đức Trọng là một trong những doanh nghiệp nổi tiếng cả nước về xuất khẩu nông sản, trong đó có nông sản đã qua chế biến và nông sản tươi. Nhưng ít ai biết, khi mới bắt đầu, Viên Sơn đã chật vật để tìm lối đi trong thị trường có nhiều các công ty xuất khẩu lớn mạnh.

Ông Nguyễn Duy Đa, Giám đốc Viên Sơn kể lại, khi mới bắt đầu, vốn ít, công nghệ chưa có gì, doanh nghiệp đã tìm lối nhỏ để có hướng đi riêng. Lúc ấy, vùng Đức Trọng, Đơn Dương, địa bàn của Viên Sơn vốn nổi tiếng về khoai lang Nhật, thứ khoai tiếng Anh gọi là sweet potato Japan có vỏ đỏ, ruột vàng, độ ngọt cao. “Khi ấy chúng tôi định hướng xuất khẩu khoai sang Singapore và Malaysia, hai thị trường ưa chuộng dòng khoai lang Nhật. Và ngay từ khi bắt đầu, Viên Sơn xác định phải xây dựng chứng chỉ Halal để được thị trường Malaysia chấp nhận”, ông Nguyễn Duy Đa tâm sự và cho biết thêm, Viên Sơn chọn xuất khẩu khoai lang, trước tiên là các thị trường gần gũi với doanh nghiệp. Có thể nói, Viên Sơn là một trong những doanh nghiệp Lâm Đồng tiên phong trong xây dựng và áp dụng Halal để đưa hàng hóa vào thị trường Hồi giáo. 

Ông Nguyễn Duy Đa chia sẻ, để đáp ứng  các tiêu chuẩn cho chứng nhận Halal, không chỉ liên quan đến nguyên liệu của sản phẩm mà còn bao gồm toàn bộ quá trình sản xuất, chế biến, đóng gói, ghi nhãn, bảo quản và vận chuyển. Như vậy, để xây dựng và đạt Halal, Viên Sơn phải rà soát, hoàn chỉnh từ khâu nông trại tới bàn ăn, đảm bảo không có điều cấm nào trong toàn bộ quy trình. Ông Đa kể lại: “Như vườn của nông dân thì các vật nuôi thường hay vào vườn chạy nhảy. Tuy nhiên, khi xây dựng Halal, chúng tôi phải đảm bảo vườn không được để vật nuôi chạy vào, không có chất thải trong vườn. Nếu xảy ra vi phạm, sẽ ngay lập tức bị mất chứng chỉ. Tổ chức giám sát hoàn toàn độc lập và thường xuyên kiểm tra bất thường, do đó chúng tôi phải quản lý rất chặt từ khâu nông trại cho tới sản xuất”. 

Không chỉ Công ty Cổ phần Viên Sơn, Công ty TNHH Thực Phẩm An Vạn Thịnh, doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn TP Bảo Lộc cũng xây dựng Halal từ nhiều năm nay. Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Nhà máy An Vạn Thịnh Food cho biết, đơn vị chuyên sản xuất các mặt hàng nông sản cấp đông như khoai lang, khoai tây, xoài, chanh leo… phục vụ xuất khẩu. Ngoài sản xuất hàng của doanh nghiệp, An Vạn Thịnh Food còn gia công cho các thương hiệu, trong đó phục vụ xuất khẩu là đa số. Bởi vậy, An Vạn Thịnh Food xây dựng chứng chỉ Halal và duy trì suốt quá trình phát triển doanh nghiệp. Chị Ánh Tuyết đánh giá: “Halal gần như là cửa để mở vào thị trường Hồi giáo, người Hồi giáo chỉ tin và được phép sử dụng các sản phẩm được chứng nhận Halal. Vì vậy, muốn hàng hóa vào được các nước Hồi giáo hay các nước có cộng đồng Hồi giáo sinh sống, doanh nghiệp phải xây dựng Halal. Như An Vạn Thịnh Food, chúng tôi có thể đáp ứng mọi đơn hàng mà khách hàng cần có Halal để xuất khẩu”. 

Xây dựng Halal giúp doanh nghiệp mở cửa thị trường Hồi giáo, nhất là Việt Nam nằm tại Đông Nam Á, nơi có thị trường người tiêu dùng Hồi giáo lớn của thế giới. Như Công ty Viên Sơn, việc xây dựng và duy trì Halal nhiều năm nay đã giúp doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Maylaysia gần 2 ngàn tấn khoai lang/năm. 

Đồi chè của Phong Giang - doanh nghiệp đang xây dựng Halal
Đồi chè của Phong Giang - doanh nghiệp đang xây dựng Halal

• XÁC ĐỊNH VỊ THẾ CỦA HALAL

Thông tin của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Lâm Đồng hiện có 9 doanh nghiệp đang có chứng chỉ Halal. Tất cả 9 doanh nghiệp đều hoạt động trong lĩnh vực trồng, chế biến nông sản xuất khẩu, chủ yếu là rau, củ, quả, chè và cà phê. Trong đó có 4 doanh nghiệp trồng và chế biến chè các loại xuất đi thị trường Trung Đông, Pakistan đã xây dựng, đạt chứng chỉ Halal và xuất đi hàng ngàn tấn chè xanh, chè đen các loại mỗi năm như Trà Phương Nam, Trà Thiện Phương, Trà Hậu Hương, Trà Nguyên Thống. 

Bà Cao Thị Thanh - Phó Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng chia sẻ, Sở đặc biệt quan tâm tới các chứng chỉ an toàn của doanh nghiệp, trong đó có chứng nhận Halal. Theo bà Thanh, thị trường Hồi giáo là một thị trường vô cùng tiềm năng, đặc biệt nhiều nước Hồi giáo có điều kiện địa lý ở cùng khu vực với Việt Nam như Maylaysia, Indonesia hoặc các thị trường truyền thống như Trung Đông, Pakistan. Vì vậy, Lâm Đồng tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và chứng nhận Halal, mở cửa hàng hóa Lâm Đồng vào thị trường Hồi giáo. . 

Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, người đã tham dự Diễn đàn “Tiềm năng thị trường thực phẩm Halal toàn cầu và cơ hội đối với Việt Nam” đánh giá, thị trường Hồi giáo có thể coi là một “khu mỏ” lớn với nông sản Lâm Đồng. Theo ông Phạm S, hiện nay trên thế giới có khoảng 2 tỷ người Hồi giáo với mức chi tiêu cho thực phẩm Halal là 1.400 tỷ USD; dự báo sẽ tăng hơn 10 lần lên tới 15.000 tỷ USD vào năm 2050. Nhu cầu về sản phẩm Halal gia tăng mạnh không chỉ vì sự tăng nhanh của dân số Hồi giáo mà còn phản ánh xu hướng tiêu dùng của nhiều người không theo đạo Hồi ở những nền kinh tế lớn như: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU… Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Lâm Đồng nói riêng, nhất là Lâm Đồng có nguồn nông sản nguyên liệu dồi dào. Tuy nhiên, doanh nghiệp Lâm Đồng hiện còn khá ngại ngần khi tham gia vào sân chơi còn xa lạ này. Ông Phạm S khẳng định, tỉnh Lâm Đồng sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình vươn lên hoàn thiện quy trình trồng trọt - sản xuất, xây dựng chứng chỉ Halal tiến bước vào thị trường Hồi giáo.

Halal, theo tiếng Ả rập có nghĩa là hợp pháp hay hợp quy (được phép) chỉ về quy chuẩn tôn giáo mang tính phù hợp với chuẩn mực và giá trị của đạo Hồi, sự hợp pháp ở đây phải theo chuẩn của Kinh Qur’an. Chứng nhận Halal là xác nhận rằng sản phẩm nào đó đạt yêu cầu về các thành phần và hội đủ điều kiện trong sản xuất và đáp ứng yêu cầu Tiêu chuẩn Halal, người Hồi giáo được phép sử dụng. Chứng nhận Halal được cấp sau một quá trình thẩm tra kỹ càng; đồng thời vẫn tiếp tục giám sát thời gian sau đó, với những lần kiểm tra đột xuất. Nếu doanh nghiệp vi phạm những tiêu chuẩn Halal có thể bị thu hồi chứng chỉ. Khi hết hạn chứng nhận, doanh nghiệp phải xin cấp hiệu lực mới với thời gian 4 năm/lần chứng nhận.