Một đôi vợ chồng người K’Ho ở đất Tân Thượng, Di Linh đã nhanh nhạy nắm bắt, áp dụng phương pháp canh tác mới trong sản xuất. Anh chị là điển hình của những người trẻ, mạnh dạn vươn lên xây dựng kinh tế gia đình.
Chị Ka Hậu thu hoạch cà phê trong vườn trồng xen |
Anh K’Jáo và vợ là chị Ka Hậu đều xấp xỉ tuổi 30, gia đình nhỏ cư trú tại Thôn 3, xã Tân Thượng, huyện Di Linh. Tân Thượng là xã xa trung tâm, bà con xưa nay sống chủ yếu bằng cây cà phê. Đất dốc, giá cà phê thất thường, chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho cà phê cũng như công lao động cao khi vào vụ khiến gia đình anh chị cũng như bà con xung quanh gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, khi được nhận mảnh đất từ gia đình giao, chủ động lựa chọn cây trồng, anh chị thay đổi, chọn cách làm mới, mang lại thu nhập cao hơn.
Anh K’Jáo vừa mải miết thu hoạch đám cà phê vào vụ chín đỏ, vừa chia sẻ quá trình anh chị xây dựng vườn trồng xen sầu riêng - cà phê của gia đình. Anh bảo, hạt cà phê giá cả bấp bênh, đất của gia đình lại là đất đồi, độ dốc khá lớn. Vì vậy, năng suất cà phê cũng không được cao, dù đất khá rộng, 1,5 ha nhưng thu nhập hàng năm chỉ vừa đủ chi phí sinh hoạt. Nghĩ mãi, anh học theo nhiều nông hộ trong xã, phá bớt cà phê để trồng xen cây sầu riêng. Ban đầu, anh trồng thử mấy chục cây, vừa trồng vừa học cách chăm sóc. Cây yếu, cây chăm sóc không đạt bị chết, anh còn lại 19 cây. Những cây sầu riêng này đã trưởng thành, cho trái mỗi vụ, mang lại nguồn thu tốt cho gia đình. Như năm 2022 vừa qua, anh bán nguyên vườn 19 cây được 190 triệu đồng, dư chi phí để sinh hoạt trong gia đình, cho con đi học cũng như mua sắm một số vật dụng.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây sầu riêng, năm 2017, vợ chồng anh quyết tâm cải tạo hoàn toàn mảnh vườn cà phê già cỗi. Anh chị trục từng gốc cà phê, đào hố, trồng xen trong mảnh vườn 200 cây sầu riêng với cà phê cao sản. Sau 5 năm, cây cà phê cho trái chín mỗi vụ và những cây sầu riêng cũng vừa cho trái bói. Anh tước hết hoa, chỉ để mỗi cây sầu riêng ra 1 - 2 trái “lấy thảo”, chủ yếu để dưỡng cây khỏe mạnh, cho vụ sau ra trái tốt hơn, cây bền sức hơn. Anh K’Jáo chia sẻ: “Nông dân mình nếu trồng mỗi sầu riêng thì rất khó vì 5 - 6 năm mới cho trái, trong thời gian lâu như thế không có thu nhập cho gia đình. Vì vậy, tôi mới trồng xen sầu riêng và cà phê, cà phê cho thu nhanh, lại làm mát đất cho sầu riêng nhanh lớn. Sau khi sầu riêng trưởng thành, tán rộng đến đâu thì tôi chặt bớt cà phê xung quanh đến đấy”.
Điều làm anh chị K’Jáo - Ka Hậu rất tâm đắc là việc chọn giống sầu riêng phù hợp. Theo anh K’Jáo, nhiều nông hộ khi trồng mới tuyển nhiều giống sầu riêng khác nhau. Riêng vườn của gia đình, anh tuyển thuần giống Monthon. Anh K’Jáo nhận xét, giống sầu riêng Monthon ít bệnh, dễ chăm sóc, khả năng đậu trái cao hơn các giống sầu riêng khác như Musang King hay Ri6, thích hợp với vùng đất dốc như Tân Thượng. Kinh nghiệm trồng sầu riêng của anh K’Jáo đã giúp anh chăm sóc vườn hiệu quả và năm 2023, anh hy vọng sẽ thu được 300 - 400 triệu từ những cây sầu riêng cho quả vụ 2.
Khuyến nông viên xã Tân Thượng, anh K’Đức đánh giá, hộ anh chị K’Jáo - Ka Hậu là một trong những nông hộ trẻ tiến bộ của xã. Năm 2017, anh chị đã nhận được sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp, trồng xen gần 200 gốc sầu riêng Monthon trong vườn cà phê. Không chỉ là nguồn tiền, quan trọng hơn là anh chị được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nhiều kỹ thuật chăm sóc sầu riêng hiệu quả. Đồng thời, cũng từ các lớp học kỹ thuật nông nghiệp, anh chị học hỏi được nhiều kinh nghiệm của những nhà vườn trồng sầu riêng thành công. Dù hiện tại vườn sầu riêng của anh chị mới cho trái nhưng đã mở ra hướng phát triển kinh tế rõ rệt, khuyến khích khá nhiều bà con mạnh dạn chặt bỏ bớt cà phê, trồng xen sầu riêng. Đôi vợ chồng trẻ từ vùng đất quê xa đã mạnh dạn thay đổi, xây dựng một mô hình canh tác phù hợp với mảnh đất quê hương, mở ra một tương lai no ấm cho gia đình và thúc đẩy bà con cùng thay đổi.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin