(LĐ online) - Ngày 9/2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng Lâm Đồng năm 2023. Hội nghị do Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp và Giám đốc NHNN Võ Văn Thanh chủ trì.
Ông Võ Văn Thanh - Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng phát biểu khai mạc |
Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các sở, ngành; các văn phòng, hội - hiệp hội của tỉnh cùng giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị của 57 tổ chức tín dụng trên địa bàn.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Võ Văn Thanh - Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Lâm Đồng, cho biết, năm 2022, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là 6 tháng cuối năm; hoạt động ngân hàng còn chịu thêm các tác động của lạm phát, lãi suất tiền gửi, tiền vay đều tăng, hạn mức tăng trưởng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ… Tuy nhiên, toàn ngành Ngân hàng Lâm Đồng đã nỗ lực vượt qua khó khăn, tích cực đẩy mạnh các hoạt động, đảm bảo an toàn tăng trưởng tín dụng, đảm bảo thanh khoản, kết quả đều tăng cao so với năm trước, đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của doanh nghiệp và người dân có trên địa bàn…
Đại diện lãnh đạo ngân hàng phát biểu ý kiến và đề xuất kiến nghị |
Năm 2022, ngành Ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn…
Báo cáo hoạt động của NHNN chi nhánh tỉnh Lâm Đồng, cho biết, tổng số dư tiền gửi của khách hàng đến cuối năm 2022 đạt trên 91,1 ngàn tỷ đồng, so với đầu năm tăng trưởng 13,7%; trong đó, tiền gửi dân cư chiếm 70,5% (tăng trưởng 17,5%), tiền gửi của cá tổ chức kinh tế và tiền gửi khác chiếm 29,5% (tăng trưởng 5,6%). Doanh số cho vay đạt 236,3 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng 23,5% so với doanh số cho vay năm trước; tổng dư nợ cuối năm tăng trưởng 14,7%, cao hơn tăng trưởng tín dụng của toàn ngành (12,9%). Tỷ lệ nợ xấu nội bảng trong tổng dư nợ là 0,25%, thấp hơn tỷ lệ nợ xấu toàn ngành (1,92%)…
Tuy nhiên, do lạm phát toàn cầu cao, tỷ giá USD tăng, lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng tăng từ 2,3 - 3% so với cuối năm 2021; do tiềm lực hạn chế, một số ngân hàng thương mại không thể giảm lãi suất cho vay thấp hơn từ 1 -1,5%/năm đối với các khoản vay cùng kỳ hạn; nợ xấu thấp, nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro trong hoạt động…
Đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành tham gia ý kiến |
Trong năm 2022, 100% các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện công tác an sinh xã hội, với tổng số tiền trên 38,3 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là đóng góp cho Quỹ Vì người nghèo (4,4 tỷ đồng); Quỹ Khuyến học (2 tỷ đồng); hỗ trợ hoạt động giáo dục, y tế cộng đồng (5,1 tỷ đồng); xây dựng công trình văn hoá, y tế, giáo dục, xoá nhà tạm, nhà tình nghĩa (10,4 tỷ đồng); ủng hộ các chương trình tại địa phương (9,4 tỷ đồng); các quỹ và hoạt động an sinh xã hội khác (5,5 tỷ đồng)…
Định hướng hoạt động trong năm 2023 của NHNN dựa trên cơ sở thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thống đốc NHNN Việt Nam, tạo điều kiện mở cửa kinh tế, đẩy mạnh đầu tư công, tận dụng lợi thế của vốn đầu tư nước ngoài, thực hiện mục tiêu theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng… với một số chỉ tiêu cụ thể: tốc độ tăng trưởng nguồn vốn là 14%, với số dư cuối năm trên 103 ngàn tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng dư nợ là 14,5%, với tổng dư nợ đến cuối năm trên 181 ngàn tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu không quá 1%...
Đại diện lãnh đạo các tổ chức tín dụng nêu ý kiến, khẳng định sự vào cuộc của chính quyền trong điều hành hoạt động kinh tế - xã hội, trong quy hoạch, cải tạo giao thông, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, duy trì mức tăng trưởng, chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt… Các đại biểu cũng kiến nghị về chỉ tiêu, giải pháp, đề xuất và kiến nghị tháo gỡ những vướng mắc để đơn vị hoạt động tốt hơn, ngành ngân hàng hoạt động ổn định và bền vững…
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp phát biểu chỉ đạo |
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp biểu dương nỗ lực của ngành Ngân hàng trong năm 2022, góp phần hoà vốn vào nền kinh tế, tạo nguồn lực đầu tư các công trình phục vụ nhân dân; cơ cấu dư nợ đi đúng với cơ cấu ngành của tỉnh, góp phần đổi thay căn bản cho người dân và người nghèo; công tác hoãn, giảm, giãn nợ thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ…
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị trong ngành Ngân hàng tích cực thể hiện nghĩa vụ tài chính với địa phương; trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng, thông qua các hoạt động an sinh xã hội, hỗ trợ các đối tượng yếu thế, giúp tạo sinh kế cho người nghèo; NHNN thực hiện công tác kết nối giữa các tổ chức tín dụng với chính quyền, doanh nghiệp và người dân; đồng thời, chấn chỉnh các biểu hiện tiêu cực trong hoạt động tín dụng.
Năm 2022 là năm tỉnh Lâm Đồng đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất, nhưng 2023 sẽ cực kỳ khó khăn, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu NHNN phải làm tốt công tác truyền thông tiền tệ, tài chính; làm tốt công tác phối hợp với các tổ chức tín dụng… để đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh và trở thành tỉnh tự chủ bằng chính năng lực nội sinh; tăng cường năng lực dự báo để đề xuất cho UBND tỉnh về công tác chính sách tiền tệ; có giải pháp giảm nạn tín dụng đen và tăng tín dụng công nghệ… Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu chú trọng công tác xây dựng Đảng, phát triển đảng viên, xây dựng chính quyền, làm tốt công tác dân vận…
Các kiến nghị của các tổ chức tín dụng về tài sản thế chấp là nhà kính theo chủ trương mới của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên môi trường… phối hợp tìm ra giải pháp hỗ trợ người nông dân tiếp cận được nguồn vốn đầu tư. UBND tỉnh cũng sẽ hỗ trợ cơ chế và yêu cầu các sở, ngành tìm giải pháp giải quyết các kiến nghị của NHNN, để người dân được tạo thuận lợi trong việc thực hiện các thủ tục tiếp cận vốn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin