Huyện Đức Trọng là địa phương tiêu biểu trong đầu tư phát triển hạ tầng thương mại nông thôn theo hướng chuyên sâu. Trong đó, điểm nhấn đáng kể là huyện đã thành công trong huy động các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng và khai thác các trung tâm thương mại, mở rộng không gian đô thị, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chợ Đà Loan đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giao thương của huyện Đức Trọng |
Trong xây dựng nông thôn mới, đầu tư cho hạ tầng thương mại nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng. Do đó, huyện Đức Trọng đã chú trọng đến tiêu chí này vì phục vụ cho nhu cầu đời sống thiết yếu của dân cư nông thôn; đồng thời là kênh phân phối, tiêu thụ nông sản trên địa bàn.
Theo thống kê của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đức Trọng, hiện nay, toàn huyện có hơn 8.500 cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại - dịch vụ, cơ bản đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa của người dân. Trên địa bàn huyện có 9 chợ truyền thống, gồm chợ Liên Nghĩa, Phi Nôm, Liên Hiệp, Bình Thạnh, Phước Hải (xã Phú Hội), Tân Hội, Ninh Gia, Đà Loan, Ninh Loan. Ngoài ra, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Việt Đặng đã đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động 1 chợ đầu mối nông sản chất lượng cao tại thị trấn Liên Nghĩa; Công ty TNHH Bùi Hoàng Anh đang đầu tư xây dựng chợ N’Thol Hạ. Vừa qua, huyện Đức Trọng đã thu hút đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng một trung tâm thương mại phục vụ người dân trên địa bàn thị trấn Liên Nghĩa với diện tích sàn hơn 12.000 m2.
Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện Đức Trọng có hơn 400 cửa hàng tạp hóa, bách hóa tổng hợp; 8 cửa hàng siêu thị thực phẩm của Bách Hóa Xanh; 12 siêu thị điện thoại, điện máy phân bố đều trên địa bàn các xã, thị trấn phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, góp phần thúc đẩy mạnh hoạt động thương mại, dịch vụ tại địa phương.
Ông Chu Văn Chí - Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đức Trọng cho biết, để thực hiện các công trình hạ tầng thương mại nông thôn này, huyện Đức Trọng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu phát triển hạ tầng thương mại là nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội; phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh; thu hẹp khoảng cách vùng, miền, là sự nghiệp chung, mọi người dân đều có trách nhiệm tham gia xây dựng. Huyện cũng gắn nhiệm vụ phát triển hạ tầng thương mại nông thôn với Chương trình xây dựng Nông thôn mới. Trên cơ sở đó, các xã, thị trấn đã tiến hành rà soát toàn bộ nội dung theo tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, từ đó đầu tư, nâng cấp, cải tạo các hạng mục còn thiếu và tập trung phân kỳ đầu tư, ưu tiên những dự án quan trọng, tạo sự đột phá và có tác động lan toả lớn.
Theo ông Chu Văn Chí, thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện Đức Trọng tuy phát triển nhưng còn chưa tương xứng so với sự phát triển kinh tế của địa phương; chưa khai thác hết tiềm lực, thế mạnh về kết nối giao thông, vị trí địa lý, sân bay Liên Khương trong việc phát triển thương mại, dịch vụ. Trong đó, việc chuyển đổi mô hình kinh doanh, quản lý chợ từ nhà nước sang hợp tác xã, doanh nghiệp còn chậm, chưa đạt kế hoạch đề ra. Ngoài ra, ngành Thương mại, dịch vụ phát triển mạnh và chủ yếu tập trung ở khu vực thị trấn Liên Nghĩa và các xã lân cận; một số khu vực ở vùng sâu, vùng xa cơ sở hạ tầng về thương mại chưa được đáp ứng, chưa có điều kiện thuận lợi để phát triển phục vụ nhu cầu của người dân cũng như đóng góp vào phát triển kinh tế chung của huyện.
Trong thời gian tới, để phát triển thành trung tâm thương mại trọng điểm của tỉnh, huyện Đức Trọng đã ban hành kế hoạch để triển khai quy hoạch phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn huyện đến năm 2025, định hướng năm 2030; đồng thời, địa phương đã đưa ra các mục tiêu, giải pháp cụ thể để phát triển thương mại, dịch vụ cụ thể.
Trong đó, tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư ngoài ngân sách và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, hạ tầng giao thông theo quy hoạch đã được phê duyệt (vốn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng, vốn của doanh nghiệp, vốn tài trợ của tổ chức kinh tế xã hội...). Tập trung kêu gọi thu hút đầu tư các khu thương mại, dịch vụ trong tương lai như trung tâm thương mại và dịch vụ hỗn hợp cấp vùng tại khu vực phía Bắc hồ Nam Sơn, tiếp giáp với Quốc lộ 20 và đường Phan Đình Phùng; khu thương mại dịch vụ phi thuế quan và logistics phía Nam Cảng hàng không Liên Khương; khu dịch vụ thương mại cấp vùng trong Khu đô thị Đại Ninh...
Đồng thời, rà soát bố trí các quỹ đất sạch, đất của các công trình nhà nước khác đã chuyển đổi công năng để đầu tư hoặc cho doanh nghiệp thuê đầu tư, đặc biệt là các quỹ đất dành cho các trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ nông thôn, vùng sâu, vùng xa khó mời doanh nghiệp đầu tư xây dựng. Mặt khác, khai thác hiệu quả thế mạnh về giao thông và vị trí địa lý của huyện Đức Trọng có sân bay quốc tế Liên Khương, hạ tầng giao thông kết nối với các vùng để phát triển các loại hình thương mại logistics, vận tải, khách sạn, nhà hàng...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin