Thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng xây dựng các công trình giao thông được giao, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Lâm Hà thời gian qua luôn chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp để quản lý và nâng cao chất lượng xây dựng các công trình giao thông trên địa bàn huyện; trong đó, công tác kiểm tra, giám sát và thẩm định được đơn vị xem là yếu tố then chốt để bảo đảm chất lượng, tiến độ xây dựng các công trình.
Đường giao thông ở Lâm Hà được đầu tư xây dựng khá đồng bộ, đảm bảo chất lượng |
Phòng Kinh tế và Hạ tầng xác định, đối với các công trình kết cấu hạ tầng giao thông sau khi được đầu tư xây dựng, nghiệm thu đưa vào khai thác, sử dụng, chất lượng và tuổi thọ của công trình cũng như khả năng đáp ứng yêu cầu cho phương tiện tham gia giao thông theo dự án được duyệt, chủ yếu phụ thuộc vào hai giai đoạn là lập thẩm định dự án, triển khai thực hiện xây lắp công trình và quản lý trong quá trình khai thác (bảo trì, duy tu sửa chữa...). Các giai đoạn thực hiện trên phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhiều chủ thể tham gia đảm bảo chất lượng cũng như tuổi thọ của công trình. Công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng bao gồm các hoạt động quản lý chất lượng trong các giai đoạn từ khi khảo sát, thiết kế, thẩm định, thi công, nghiệm thu, bảo hành, bảo trì.
Chính vì vậy, để bảo đảm chất lượng các công trình giao thông, Phòng Kinh tế và Hạ tầng đặc biệt chú trọng công tác kiểm tra, giám sát quá trình triển khai xây dựng; chú trọng nâng cao công tác thẩm định các hồ sơ dự án, báo cáo kinh tế - kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán các công trình, góp phần giảm thiểu rủi ro, tránh thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng; phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn các tiêu chuẩn, quy trình, quy chuẩn kỹ thuật, thi công cho các chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng công trình giao thông trên địa bàn huyện. Mặt khác, Phòng thực hiện công tác kiểm tra nghiệm thu trong quá trình thi công và trước khi đưa công trình vào khai thác sử dụng theo quy định; có kế hoạch kiểm tra và thực hiện kiểm tra chất lượng các công trình giao thông; tăng cường phát hiện, làm rõ trách nhiệm của từng chủ thể đối với những vi phạm trong quản lý chất lượng.
Trong năm 2022, báo cáo của Phòng cho thấy, đã tổ chức thẩm định và tham mưu UBND huyện phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh 15 công trình, dự án giao thông thuộc kế hoạch vốn năm 2022 với tổng mức đầu tư 51,35 tỷ đồng. Qua thẩm định cắt giảm 267,32 triệu đồng, đạt 0,5%. Các công trình thẩm định đều được thực hiện trong thời gian quy định; Phòng Kinh tế và Hạ tầng luôn chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp để quản lý chất lượng xây dựng các công trình giao thông; trong đó công tác thẩm định, giám sát được xem là yếu tố then chốt để bảo đảm chất lượng.
Phòng cũng đã xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra công tác quản lý chất lượng 4/4 công trình giao thông trên địa bàn huyện và tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu 5/5 công trình, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công trình, hạn chế thấp nhất sự cố công trình và đảm bảo an toàn lao động trong quá trình thi công. Lập 175 hồ sơ dự toán công trình đường bê tông xi măng đầu tư xây dựng theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (tổng mức đầu tư 85,769 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách nhà nước là 46,017 tỷ đồng, Nhân dân đóng góp 29,752 tỷ đồng với tổng chiều dài là 80,486 km) để bàn giao cho các xã, thị trấn triển khai thi công theo quy định.
Riêng đối với đường giao thông nông thôn xây dựng mặt đường bê tông xi măng, để đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, ngoài việc thi công lớp bê tông mặt đường theo chỉ dẫn kỹ thuật đã được phổ biến, Phòng Kinh tế và Hạ tầng còn yêu cầu UBND các xã, thị trấn chú trọng công tác bảo dưỡng mặt đường bê tông trong điều kiện thời tiết mùa khô với nhiệt độ mặt đường lên tới 60 - 65 độ C. Yêu cầu các đơn vị thi công phải thực hiện bảo dưỡng bê tông mặt đường ngay sau khi tạo hình bằng cách phủ bề mặt các loại vật liệu giữ ấm hoặc các loại vật liệu cách nước (nilon, bạt...). Tiếp theo, trong thời gian tối thiểu 4 ngày, mặt đường phải được tưới nước giữ ẩm liên tục cả ngày và đêm.
Quá trình bảo dưỡng bê tông mặt đường là yếu tố ảnh hưởng đến cường độ và chất lượng của mặt đường, hạn chế tối đa hiện tượng bề mặt bị nứt nẻ, bong tróc. Do đó, Phòng hết sức lưu ý thực hiện tốt công tác này, nhất là trong điều kiện khí hậu mùa khô nắng nóng… Vì vậy mà các công trình xây dựng đưa vào sử dụng đã phần nào đáp ứng được nhu cầu, sử dụng hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin