Ngành Nông nghiệp Bảo Lộc đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, góp phần nâng cao đời sống cho người nông dân. Để trồng trọt, chăn nuôi phát triển bền vững, người nông dân trên địa bàn TP Bảo Lộc không ngừng đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi; đồng thời, áp dụng các biện pháp sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi thân thiện với môi trường, vì sức khỏe cộng đồng và người tiêu dùng.
Trồng rau thủy canh công nghệ cao đang là hướng đi được nhiều nông dân tại TP Bảo Lộc lựa chọn đầu tư phát triển |
• NÔNG NGHIỆP SẠCH LÊN NGÔI
Hiện nay, nhu cầu sử dụng thực phẩm, sản phẩm nông nghiệp sạch, tự nhiên hữu cơ đang được người tiêu dùng quan tâm, lựa chọn vì sức khỏe bản thân và gia đình. Vì thế, đầu tư các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ theo hướng an toàn, hữu cơ đang là hướng đi được nhiều nông dân trên địa bàn TP Bảo Lộc lựa chọn phát triển. Đối với trồng trọt, trên địa bàn thành phố ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất trồng rau sạch theo hướng hữu cơ. Các mô hình sản xuất rau sạch chủ yếu được người dân trồng thủy canh tập trung tại các xã, phường như Lộc Nga, Lộc Phát, Lộc Tiến, Lộc Sơn và Phường 2. Các mô hình có quy mô dao động từ 0,5 - 3 sào được đầu tư nhà kính, nhà lưới bài bản và hệ thống tưới tự động. Đơn cử như Mô hình Trồng rau sạch theo công nghệ Israel của anh Nguyễn Thái Hòa (thôn Tân Hóa, xã Lộc Nga) mỗi năm cho thu nhập trên 500 triệu đồng.
Tương tự là Mô hình Trồng rau thủy canh của gia đình chị Trần Quỳnh Anh tại Phường 2, với quy mô hơn 500 m2. Theo chị Quỳnh Anh, mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới được gia đình chị đầu tư hơn 300 triệu đồng để trồng các giống rau xà lách mỡ, Batavia, cải bẹ trắng, cải ngọt, tần ô, rau muống. Các loại rau được gia đình chị thu hoạch mỗi ngày cung cấp cho các nhà hàng, siêu thị trên địa bàn TP Bảo Lộc, với giá bán từ 40 - 50 ngàn đồng/kg và mang lại nguồn thu nhập từ 600 - 700 ngàn đồng/ngày.
Cùng với mô hình trồng rau thủy canh còn có các tổ hợp tác, tổ hội trồng rau an toàn với tổng diện tích hàng chục hecta rau, củ, quả tại các địa phương như Lộc Tiến, Đại Lào, Lộc Châu, Lộc Sơn và Đam B’ri đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân.
Bên cạnh các mô hình trồng rau công nghệ cao, rau an toàn, thì các mô hình chăn nuôi bò sữa, nuôi tằm, nấm đông trùng hạ thảo, nuôi cá nước ngọt, nuôi gà đẻ trứng, trồng măng cụt hữu cơ, bơ ruột đỏ, chăn nuôi dê Nam Phi, vỗ béo bò thịt… có vốn đầu tư hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân Bảo Lộc.
• GẮN VỚI BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Theo đánh giá của Hội Nông dân TP Bảo Lộc, về cơ bản, các mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hướng công nghệ cao, an toàn được nông dân hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật và thức ăn tăng trọng. Qua đó, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho chính người nông dân.
Ông Vũ Phi Hùng, nông dân trồng măng cụt hữu cơ tại xã Lộc Thanh, cho biết: “Hiện tại, gia đình tôi đang có hơn 5 ha cây măng cụt, trong đó có 2 ha trồng thuần đã cho thu hoạch, số còn lại trồng xen đã được 3 năm tuổi. Mô hình măng cụt của gia đình tôi được Trung tâm Nông nghiệp Bảo Lộc chọn làm điểm sản xuất theo hướng hữu cơ an toàn theo quy trình VietGAP. Vì thế, trong quá trình chăm sóc vườn, gia đình tôi “nói không” với thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng các loại phân hữu cơ. Từ chính chất lượng của “măng cụt Bảo Lộc” và quy trình chăm sóc hữu cơ nên giá bán luôn đạt từ 50 - 60 ngàn đồng/kg và không lo về đầu ra”.
Tương tự các mô hình trồng trọt, trong chăn nuôi, người nông dân đã mạnh dạn đầu tư hệ thống chuồng trại hiện đại, khép kín thân thiện cùng môi trường với mức đầu tư hàng tỷ đồng. Đơn cử như các mô hình nuôi dê Boer của anh Vũ Quang Chính tại xã Lộc Châu và bà Nguyễn Thị Ngọc Huyền (Thôn 14, xã Đam B’ri).
Hay như Mô hình Nuôi bò thịt vỗ béo theo quy trình TMR (Total Mixed Ration) của ông Lê Minh Tuấn (phường Lộc Phát) với quy mô trang trại chăn nuôi luôn dao động từ 80 - 100 con bò nhập ngoại siêu thịt như 3B, Brahman, Red Angus thuần chủng của Úc và bò Chorolais của Pháp. Quy trình này đảm bảo cùng một lúc bò được ăn các loại thức ăn khác nhau với khối lượng phù hợp nhu cầu, ổn định hệ vi sinh vật dạ cỏ, giảm các nguy cơ gây xáo trộn tiêu hóa, từ đó sử dụng hiệu quả lượng thức ăn nạp vào, nâng cao khả năng tăng trưởng của bò. Qua đó, mô hình chăn nuôi mang lại cho gia đình ông Tuấn nguồn thu nhập từ 1,2 - 1,5 tỷ đồng/năm.
Ông Lê Viết Thống - Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Bảo Lộc, cho biết: “Các mô hình trồng trọt, chăn nuôi công nghệ cao, hữu cơ đã cho thấy sự chuyển biến rõ nét về nhận thức, tư duy và thay đổi thói quen sản xuất của người nông dân. Hiện nay, Hội Nông dân thành phố cũng đang tập trung tuyên truyền, định hướng và huy động các nguồn lực để hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, việc ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp an toàn, chất lượng và bảo vệ môi trường được xem là nhiệm vụ trọng tâm”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin