Thành công từ ươm tơ tự động quy mô lớn

HẢI ĐƯỜNG 00:04, 15/02/2023

Hơn 30 năm gắn bó cùng nghề ươm tơ, dệt lụa, bà Dáng là một trong những người thấu hiểu rõ sự thăng trầm của ngành Tơ lụa Bảo Lộc. Với tầm nhìn xa, trông rộng, khi ngành Tơ lụa Bảo Lộc cơ bản phục hồi, phát triển trở lại, bà Dáng đã mạnh tay đầu tư hơn 150 tỷ đồng thành lập công ty ươm tơ tự động quy mô lớn. Hướng đi này đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình và đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hoạt động sản xuất luôn ổn định là điều kiện để Công ty Minh Thành xuất khẩu trên 250 tấn tơ tằm/năm
Hoạt động sản xuất luôn ổn định là điều kiện để Công ty Minh Thành xuất khẩu trên 250 tấn tơ tằm/năm

QUY MÔ ĐẦU TƯ HIỆN ĐẠI

Từ hơn 15 năm kinh nghiệm ươm tơ tại Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam và hơn 10 năm tự bươn chải với nghề buôn gốc rũ tơ tằm, bà Hồ Thị Dáng (52 tuổi, chủ Công ty Tơ lụa Minh Thành) là người am hiểu rất rõ những giá trị và chất lượng tơ lụa vùng đất Nam Tây Nguyên. Sau bao nhiêu năm ấp ủ, vào năm 2015, bà Dáng đã đầu tư thành lập Công ty TNHH Tơ lụa Minh Thành chuyên ươm tơ quy mô lớn, hiện đại theo chuỗi liên kết khép kín, với tổng mức đầu tư hơn 150 tỷ đồng đóng tại đường Phan Đình Phùng (phường Lộc Tiến, TP Bảo Lộc).

“Chính những giá trị của tơ tằm Bảo Lộc không hề thua kém chất lượng tơ của các nước có truyền thống lâu đời với sản lượng tơ lớn trên thế giới đã thôi thúc tôi quyết tâm đầu tư lớn cho nghề ươm tơ. Trên tổng diện tích hơn 1 ha, tôi xây dựng nhà máy, với 9 dãy ươm tơ tự động nhập khẩu. Cùng với đó là hệ thống 7 máy guồng xe tơ tự động, lò hơi, kho lạnh, máy nấu kén, sấy kén, máy làm nhộng hoàn toàn tự động được nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngoài ra, để đảm bảo chuỗi liên kết sản xuất kép kín, tôi còn đầu tư hệ thống xử lý chất thải, phòng cháy, chữa cháy hiện đại, nhà xưởng, thiết kế, vật tư phụ kiện lưu kho với kinh phí hơn 10 tỷ đồng”, bà Dáng cho biết về quy mô nhà máy ươm tơ của mình.

Sau khi thành lập, bước đầu Công ty Minh Thành hoạt động với nhiều khó khăn, thách thức. Với hơn 80% sản phẩm tơ sản xuất phục vụ xuất khẩu, nên sự biến động giá tơ lụa, đặc biệt trong thời gian qua, diễn biến của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất và xuất khẩu của công ty. Song chính công nghệ ươm tơ hiện đại đã giúp Công ty Minh Thành từng bước khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất. Khi dịch COVID-19 được kiểm soát, sản phẩm tơ của Công ty Minh Thành nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu tơ qua Ấn Độ, với hơn 80% sản lượng tơ do đơn vị sản xuất.

Theo ông Vũ Thành Công - Phó Phòng Kinh tế TP Bảo Lộc, đến nay, về cơ bản công nghệ ươm tơ trên địa bàn TP Bảo Lộc đã chuyển từ ươm tơ cơ khí thủ công qua ươm tơ tự động. Thống kê sơ bộ, toàn TP Bảo Lộc đang có khoảng 40 dãy ươm tơ tự động tập trung tại các doanh nghiệp như Công ty CP Tơ lụa Bảo Lộc, Công ty Tằm tơ Minh Tuyết, Nhật Minh và Minh Thành… Trong đó, Công ty Minh Thành khẳng định là đơn vị ươm tơ có quy mô lớn nhất tại Bảo Lộc nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung. Cũng như các doanh nghiệp ươm tơ khác, Công ty Minh Thành ươm tơ sống phục vụ xuất khẩu và cung ứng nguồn nguyên liêu đầu vào chất lượng cho các doanh nghiệp trên địa bàn để dệt ra các sản phẩm lụa mang thương hiệu riêng của vùng đất Bảo Lộc. 

XUẤT KHẨU TRÊN 250 TẤN TƠ MỖI NĂM

Với quy mô ươm tơ lớn vào loại bậc nhất trên địa bàn TP Bảo Lộc, để đảm bảo nguồn nguyên liệu hoạt động thường xuyên, bà Dáng đã chủ động tạo dựng mối liên kết thu mua kén tằm với đại lý tại các địa phương như Lâm Hà, Đức Trọng, Bảo Lộc, Đạ Tẻh, Cát Tiên.

Công suất của Nhà máy Ươm tơ Công ty Minh Thành đạt từ 300 - 350 tấn tơ/năm, tương đương nguồn nguyên liệu kén tằm đầu vào từ 1.850 - 1.880 tấn kén/năm. Hàng năm, sản lượng tơ sản xuất có khoảng 80% phục vụ xuất khẩu qua thị trường Ấn Độ, tương ứng trên 250 tấn tơ. Sản lượng còn lại được xuất khẩu qua Nhật Bản và phục vụ nguồn nguyên liệu dệt lụa cho một số đơn vị trên địa bàn. Ngoài ra, đơn vị còn tận dụng các loại phế liệu ươm tơ như gốc rũ, nhộng tằm… để bán cho các đại lý thu mua mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Trong năm 2022, chính việc xuất khẩu tơ ổn định, cùng với các sản phẩm phụ, Công ty Minh Thành đã có được nguồn doanh thu hơn 400 tỷ đồng.

Với quy mô sản xuất hiện tại, Công ty Minh Thành đang tạo công ăn việc làm ổn định cho từ 140 - 150 lao động (chủ yếu là lao động nữ), với mức thu nhập từ 11 - 12 triệu đồng/người/tháng.

Nói về hướng phát triển lâu dài của doanh nghiệp, bà Dáng cho biết, công ty tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất, tạo ra các sản phẩm tơ chất lượng phục vụ thị trường xuất khẩu và tiêu thụ sản phẩm tơ tằm nội địa. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất, đơn vị sẽ tăng cường xây dựng các chuỗi liên kết cung ứng nguồn nguyên liệu kén tằm trực tiếp với các đại lý và người trồng dâu, nuôi tằm tại các địa phương. Đặc biệt, ngoài thị trường Ấn Độ, công ty sẽ chủ động tìm kiếm ký hợp đồng thương mại lâu dài với các đối tác tại các thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc để mở rộng thị trường xuất khẩu tơ đảm bảo tính bền vững cho doanh nghiệp.