Trao “cần câu” cho bà con vùng dân tộc thiểu số

THÂN THU HIỀN 06:07, 28/02/2023

“Trước đây, chúng tôi cũng có vay mượn và được hỗ trợ giống heo đen, bò hay dê để nuôi nhưng thấy không hiệu quả. Vừa rồi, thôn chọn ra các hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn để được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng tặng giống gà thả vườn. Gà dễ nuôi, không tốn nhiều kinh phí lại ít khi bị bệnh. Bà con khi nhận được đều rất vui mừng, phấn khởi” - Đó là chia sẻ của nhiều hộ dân tại thôn Đạ Nhar, xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh.

Bà con thôn Đạ Nhar vui mừng, chăm sóc đàn gà được Ủy ban MTTQ tỉnh hỗ trợ
Bà con thôn Đạ Nhar vui mừng, chăm sóc đàn gà được Ủy ban MTTQ tỉnh hỗ trợ

Thôn Đạ Nhar có trên 95% dân số là người đồng bào dân tộc Mạ. Bà Ka Dụ - Trưởng thôn cho biết: “Đây từng là một trong những thôn có đường giao thông đi lại khó khăn nhất ở xã Quốc Oai. Những năm gần đây, thôn đã được Nhà nước đầu tư để làm đường giao thông, đầu tư công trình nước sinh hoạt tập trung giúp bà con được sử dụng nguồn nước sạch đảm bảo. Bên cạnh có, đồng bào dân tộc Mạ cũng đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, đưa những cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, hiệu quả kinh tế vào trồng và chăn nuôi nên đời sống đã dần được cải thiện”.

Để tạo điều kiện cho các hộ dân nghèo, cận nghèo và khó khăn vùng dân tộc thiểu số từng bước tiếp cận, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã triển khai Mô hình Nuôi gà thả vườn với 16 hộ tham gia tại thôn Đạ Nhar. Ông K’Tiếu - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Quốc Oai cho biết: “Trước kia, do cuộc sống khó khăn nên nhiều gia đình đều có người đi làm thuê, làm mướn để trang trải cuộc sống, nhưng vẫn luôn thiếu trước hụt sau. Để tạo điều kiện cho bà con, địa phương đã hỗ trợ sinh kế. Nhiều hộ đã dành dụm, vay mượn để nuôi bò, dê nhưng không hiệu quả. Sau thời gian, một số hộ gia đình được xem xét để được tham gia mô hình nuôi gà thả vườn”. 

Với mô hình này, các hộ dân sẽ được hỗ trợ 100% giống và được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho gà. Đây là giống gà có sức đề kháng cao, chống chịu với điều kiện tự nhiên tốt, phù hợp với phương thức nuôi, thả của đồng bào Mạ với tỷ lệ nuôi sống đạt 95%.

Thực hiện mô hình này, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phân bổ số lượng gà là 3.200 con và được chia làm hai đợt, đợt 1 đã được phân bổ vào tháng 11/2022 và đợt 2 được phân bổ về tháng 2/2023. Trung bình giống được bàn giao cho người dân ban đầu có trọng lượng là 200 gram/con. Bên cạnh đó, các hộ dân còn có thể lựa chọn những con gà có phẩm chất tốt làm giống, nhân rộng để có được nguồn thu ổn định. Bà con thôn Đạ Nhar cũng không tốn nhiều kinh phí đầu tư chuồng trại. Các hộ chỉ cần bỏ ra từ 2,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng để đầu tư làm chuồng để thuận lợi cho việc chăn thả gà.

Trong khu vườn nhỏ của gia đình, bà Ka Đậu (57 tuổi) vui mừng chăm sóc đàn gà. Bà chia sẻ: “Được địa phương hỗ trợ giống gà, gia đình tôi đầu tư 300 m2 đất để xây dựng chuồng nuôi. Vốn bỏ ra để làm chuồng hết 3 triệu đồng, cộng thêm được hỗ trợ 200 con gà nên gia đình cũng phấn khởi. Nuôi gà thả vườn dễ lắm, không tốn nhiều thời gian. Mình có thể tận dụng lúc rảnh rỗi để cho ăn. Học hỏi kinh nghiệm ở nơi khác, một số gia đình đã quây vườn thả gà. Nuôi gà thả vườn không cần nhiều vốn đầu tư, lại dễ chăm sóc mà hiệu quả kinh tế lại cao. Đến định kỳ thì tiêm chủng, khi trời chuyển thì cho ăn tăng cường thêm một số loại thức ăn để gà khỏe, không bị ốm”.

Còn anh K’Brum là hộ nghèo được thôn tạo điều kiện tham gia mô hình nuôi gà với 200 con gà giống. Sau một thời gian chăm sóc, anh nhận thấy những hiệu quả bước đầu mà giống gà này đem lại. “Gia đình tôi chăn nuôi theo hình thức bán chăn thả. Cám, lúa, các loại rau, gà đều ăn hết, theo tôi thấy giống gà này có sức đề kháng rất tốt, hầu như không bị bệnh tật gì trong quá trình chăn nuôi", anh K’Brum cho hay.

Theo ông Nguyễn Đức Trọng - Phó Chủ tịch UBND xã Quốc Oai, trong những năm qua, địa phương luôn có sự quan tâm, tập trung phát triển đời sống cho bà con vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn, đặc biệt là đa dạng mô hình sinh kế nhằm nâng cao thu nhập cho bà con. Ngoài tập trung triển khai mô hình trồng dâu 1,8 ha với kinh phí huyện hỗ trợ hơn 148 triệu đồng, phun thuốc trừ nấm hồng diện tích 120 ha cao su tập trung với kinh phí do huyện hỗ trợ 95 triệu đồng, vừa qua, nhằm tạo sinh kế và đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi trong vùng Đạ Nhar, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã hỗ trợ giống gà thả vườn để bà con chủ động chăm sóc và có nguồn thu nhập ổn định trong thời gian nhàn rỗi.