Một buôn nhỏ của người K’Ho ở xã N’Thol Hạ, huyện Đức Trọng có 100% cư dân đều gắn bó với con tằm, thăng trầm với những luống dâu, con kén trắng. Trải qua khó khăn, buôn Klong Tum hôm nay trù phú, no ấm từ con tằm.
Bà K’ Nghiệu cho tằm ăn |
• NO ẤM TỪ CON TẰM
Vừa rải dâu cho lứa tằm tuổi 2 ăn, bà K’Nghiệu, cư dân buôn Klong Tum vừa kể, ông bà là một trong những hộ nuôi tằm đầu tiên của buôn. Từ cách đây cả hai mươi năm, gia đình đã bỏ những chân ruộng lúa một vụ kém năng suất, chuyển qua trồng dâu nuôi tằm. Khi ấy, người K’Ho Srê buôn Klong Tum chưa bao giờ nuôi tằm, chỉ quen làm lúa nước. Nhưng ruộng không chủ động nước tưới, trông vào nước trời để trồng lúa một vụ nên kinh tế rất khó khăn. Vậy là ông bà học bà con trồng dâu nuôi tằm vùng lân cận, bỏ cây lúa, trồng những gốc dâu đầu tiên. “Hồi xưa còn trồng giống dâu lá nhỏ, hái cả ngày mới nuôi được một hộp tằm, không phải dâu cao sản như bây giờ. Nhờ trồng dâu nuôi tằm, nhà tôi nuôi được con đi học đại học, cao đẳng, xây nhà, mua xe khang trang” - bà K’Nghiệu nhớ lại lịch sử trồng dâu nuôi tằm của gia đình bà, một trong những hộ tiên phong trồng dâu của xứ này.
Chị K’Mai Ly, Chủ tịch Hội Nông dân xã N'Thol Hạ, một người con của buôn Klong Tum cung cấp, buôn là nơi cư trú của người K’Ho Srê chuyên trồng lúa nước, nay đã sáp nhập thêm một số cụm dân cư để thành lập thôn Đoàn Kết. Nhưng bà con vẫn quen gọi với cái tên buôn Klong Tum. Buôn nhỏ, chỉ tầm năm sáu chục hộ gia đình nhưng tất cả các hộ đều trồng dâu nuôi tằm. Có hộ nhiều, có hộ ít nhưng từ nhiều năm nay, cây dâu con tằm đã giúp người Klong Tum no ấm. Các gia đình trong buôn, từ mẹ truyền sang con gái, cứ có gia đình riêng là có thêm sào đất để trồng dâu, cái giá sắt, né gỗ để nuôi tằm.
Chị K’Nguyên, người phụ nữ trẻ hiện đang nuôi 1 hộp tằm/lứa tâm sự: “Nuôi tằm giờ nhàn, không phải dọn phân, việc hái dâu cũng nhanh. Như nhà tôi nuôi 1 hộp/lứa theo kiểu gối đầu, tháng nuôi 2 lứa, thu nhập được trên 15 triệu đồng, đủ để chi tiêu trong gia đình. Bản thân tôi lại có thời gian chăm sóc con, lo việc trong nhà”. Không chỉ chị K’Nguyên, tất cả các hộ gia đình trong buôn Klong Tum đều nuôi tằm, tiếng tằm ăn rỗi lao xao trở thành thanh âm quen thuộc với giấc ngủ mỗi em bé K’Ho trong buôn.
• MẮC MÙNG CHO TẰM NGỦ
Điều khá đặc biệt ở người Klong Tum, đó là bà con nuôi tằm theo phong cách rất đặc biệt. Tất cả các nhà tằm đều được mắc mùng che kín, nuôi tằm trong không gian cách li.
Bà K’ Nghiều, Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp Trồng dâu nuôi tằm thôn Đoàn Kết cho biết, người Klong Tum nuôi tằm rất kỹ lưỡng. Không gian nhà tằm cũng như không gian sinh hoạt trong nhà, ngoài sân, trong làng, trong xóm của người Klong Tum được vệ sinh mỗi ngày, sạch sẽ hết sức vì con tằm rất nhạy cảm với môi trường. Không giữ vệ sinh, con tằm sẽ lây bệnh, tỷ lệ chết cao và kén kém. Còn mắc mùng cho nhà tằm là để tránh tằm bị ruồi đốt, gây hỏng kén, kén đổi màu, giảm chất lượng. Bà K’Nghiều cung cấp: “Trong nhà tằm không được sử dụng các loại hương liệu, nhang muỗi cũng không được dùng vì con tằm không thích, không chịu được mùi hương. Dâu cũng phải giữ sạch, dính một chút thuốc là tằm chết hàng loạt. Giữ vệ sinh là quan trọng nhất trong trồng dâu nuôi tằm”.
Người Klong Tum trồng dâu cũng rất bài bản. Hiện, bà con trồng giống dâu cao sản S7-CB, năng suất cao, lá to dễ trồng, dễ thu hoạch. Dâu nhiều lá vào mùa mưa, còn mùa khô, dâu thiếu nước, bà con tiến hành đốn dâu, tưới nước 2-3 lần/tuần, chờ đọt dâu mới ra để hái. Dâu lá được hái 2 lần/tháng, dâu cắt nguyên cành thì 1 lần/tháng. Với sản lượng 30 tấn/ha/năm, mỗi gia đình hầu hết có từ 2-3 sào dâu, đủ để nuôi 1 hộp tằm/lứa vào mùa khô và 2 hộp tằm/lứa vào mùa mưa. Nhưng bà con chọn cách nuôi gối đầu, lứa trước lên né thì vệ sinh giàn sắt, đón tằm con về nuôi nên có hộ nuôi được 2-3 hộp tằm/tháng vào mùa khô. Như hộ ông K’Biếu - bà K’Nghiệu, chỉ với 2 sào dâu, ông bà nuôi được 3 hộp tằm/tháng theo phương pháp gối đầu, năng suất trung bình 55 kg kén/hộp, thu không dưới 35 triệu đồng hàng tháng.
Người Klong Tum còn tập trung vào Chi hội nghề nghiệp Trồng dâu nuôi tằm của thôn Đoàn Kết, với thành viên chính là bà con trong buôn. Chi hội được Hội Nông dân cho vay tiền, bà con quay vòng, có thêm nguồn vốn để mua thêm giàn sắt, thay né gỗ, giúp việc nuôi tằm dễ dàng hơn, năng suất hơn. Giữa mùa khô cao nguyên, những luống dâu xanh ngắt và tiếng tằm ăn rỗi lào xào như lời ca ấm no trên đất Klong Tum.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin