Để chủ động nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, UBND huyện Đam Rông đã chỉ đạo cho các đơn vị chức năng sớm chủ động tích nước các hồ chứa cũng như triển khai nhiều giải pháp phòng, chống hạn hiệu quả.
Công trình hồ thủy lợi Bằng Lăng được hoàn thành và tích nước đã góp phần phục vụ nhu cầu tưới tiêu nông nghiệp trên địa bàn |
Theo UBND huyện Đam Rông, hiện nay, trên địa bàn huyện có 81 công trình thủy lợi quy mô vừa và nhỏ, tỷ lệ kênh mương được kiên cố hóa đạt 75,8% và hơn 3.000 ao, hồ nhỏ do Nhà nước hỗ trợ Nhân dân tự đào tại các khu vực tụ thủy để cung cấp nước tưới chủ động cho hơn 11.973 ha cây trồng. Qua đánh giá, đa số các công trình thủy lợi được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước tương đối đồng bộ từ đầu mối đến kênh mương và các công trình trên kênh đang cung cấp đủ nước tưới cho diện tích 780 ha lúa, trên 240 ha bắp, rau màu vụ Đông Xuân và hơn 3.500 ha cây lâu năm.
Các hồ chứa nước trên địa bàn huyện hiện đã tích nước đến mực nước dâng bình thường. Một điều thuận lợi là năm 2022, mùa mưa đến sớm và kết thúc muộn, lượng mưa cao hơn so với trung bình các năm trước. Do vậy, lưu lượng nước tại các hồ chứa, công trình thủy lợi, các ao, hồ nhỏ cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất của Nhân dân trong mùa khô. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên hiện nay, tình hình thời tiết đang diễn biến bất thường, nắng nóng kèm gió, không khí khô hanh làm cho mực nước sông, suối, ao, hồ bốc hơi mạnh, gây tổn thất nguồn nước. Dự báo mực nước tại các sông, suối, ao, hồ sẽ thiếu hụt trong thời gian cuối mùa khô, gây ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.
Ông Nguyễn Văn Chính - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Đam Rông cho biết, tổng diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân năm 2022 - 2023 trên địa bàn huyện là 1.025 ha; trong đó, cây lúa 780 ha, 90 ha bắp và 155 ha rau, màu, đậu các loại. Ngoài diện tích sản xuất cây hàng năm, toàn huyện có 12.401 ha đang canh tác cà phê và hơn 1.810 ha cây ăn quả. Để chủ động phòng, chống hạn cho cây trồng, vật nuôi trong vụ sản xuất Đông Xuân 2022 - 2023 và năm 2023, UBND huyện Đam Rông chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị, ngành chức năng chủ động triển khai thực hiện một số biện pháp phòng, chống hạn.
Theo đó, đối với một số diện tích đất sản xuất của người dân có khả năng không đủ nước tưới vào cuối mùa khô như cánh đồng Thôn 2, xã Rô Men, cánh đồng Măng Tung, xã Đạ M’rông… UBND huyện Đam Rông đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn người dân chuyển sang trồng những cây trồng có nhu cầu sử dụng ít nước; đồng thời, hướng dẫn Nhân dân sử dụng nước tiết kiệm; hỗ trợ, vận động người dân đầu tư, sử dụng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm cho cây ăn quả, dâu tằm gắn với đào ao, nạo vét ao, hồ nhỏ tích trữ nước.
Bên cạnh đó, đơn vị đã tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan để xác định khả năng cung cấp nước tưới của các công trình thủy lợi. Qua đó, kiểm tra, đánh giá cụ thể nguồn nước các sông, suối, hồ, đập,... khoanh vùng diện tích cây trồng có khả năng khô hạn và những diện tích cây trồng không đủ nước, chủ động chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng cạn, sử dụng ít nước nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả kinh tế. Đồng thời, hướng dẫn người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa không đảm bảo nguồn nước sang cây trồng cạn khác như dâu tằm, ngô, khoai, đậu tương, rau màu các loại.
Mặt khác, UBND huyện Đam Rông đã chỉ đạo UBND các xã, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và Công trình công cộng huyện xây dựng phương án chống hạn cụ thể trên địa bàn, tăng cường theo dõi diễn biến thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng và dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn để kịp thời triển khai các giải pháp chống hạn thích hợp, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất do hạn hán gây ra. Đồng thời, rà soát, cập nhật, cân đối nguồn nước, tiếp tục kiểm tra, tổng hợp cụ thể nguồn nước các hồ chứa để xây dựng kế hoạch sử dụng nước hợp lý, phù hợp với khả năng nguồn nước, trong đó ưu tiên nước cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc, tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao và các khu vực chuyên trồng lúa khi hạn hán xảy ra.
Đặc biệt, ngay từ thời điểm đầu năm 2023, huyện Đam Rông đã huy động lực lượng vũ trang, thanh niên tình nguyện và Nhân dân tích cực tham gia nạo vét, phát dọn kênh mương, khơi thông dòng chảy, đắp đập tạm, khắc phục những vị trí, đoạn kênh hư hỏng, rò rỉ để chống thất thoát nước trên hệ thống kênh nội đồng; áp dụng các biện pháp giữ nước, tích nước như dùng bao tải đất, phai gỗ nâng cao ngưỡng tràn để nâng cao năng lực tích nước của đầu mối và nâng cao hệ số sử dụng nước của kênh mương. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã thường xuyên kiểm tra các cống xả, tra dầu mỡ vào các van đóng mở, bảo đảm vận hành các công trình thuận lợi để phục vụ nước tưới cho cây trồng. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ các loại thiết bị, máy nổ, máy tưới, xăng dầu, ống tưới… phục vụ cho công tác chống hạn khi mực nước tại các hồ chứa, sông, suối hạ thấp gần mực nước chết hoặc tận dụng mực nước chết để bơm chống hạn…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin