Xác định phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm là xu thế tất yếu trong phát triển nông nghiệp bền vững, những năm qua, ngành Nông nghiệp huyện Đam Rông đã phối hợp với các ngành có liên quan, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn đẩy mạnh thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của địa phương.
Công ty TNHH MTV Dâu tằm tơ Duy Phương phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ và sơ chế sản phẩm kén tằm |
Công ty TNHH MTV Dâu tằm tơ Duy Phương (tại xã Đạ R’sal) đang phát triển chuỗi liên kết sản xuất trồng dâu, nuôi tằm, tiêu thụ và sơ chế kén tằm gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm kén tằm, tơ lụa. Để từ đó từng bước nâng cao chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường nhằm góp phần phát triển bền vững ngành Dâu tằm tơ trên địa bàn huyện.
Với tổng diện tích 2.400 m2 và tổng kinh phí đầu tư trên 20 tỷ đồng, nhà máy đã thu hút 50 công nhân là lao động địa phương tham gia. Bà Vũ Thị Túy - Giám đốc Công ty TNHH MTV Dâu tằm tơ Duy Phương cho biết, những hộ trồng dâu tằm tham gia dự án liên kết sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí để mua giống tằm, vật tư phân bón là 470 hộp tằm giống lưỡng hệ tuổi 3 và 23.220 kg phân bón đảm bảo chất lượng cho 50 hộ tham gia liên kết; trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% kinh phí và các hộ tham gia liên kết đối ứng 30% kinh phí thực hiện.
Định hướng trong năm 2023 - 2025, Công ty dự kiến sẽ thực hiện và duy trì chuỗi liên kết sản xuất dâu tằm gắn với tiêu thụ sản phẩm kén tằm với 50 hộ, quy mô sản xuất 28,4 ha dâu và chăn nuôi 470 hộp tằm/năm và sản lượng kén tằm đạt 28 tấn/năm. Ngoài ra, 100% sản lượng kén tằm của các hộ tham gia liên kết được tiêu thụ thông qua hợp đồng ổn định và bền vững. Đồng thời, tổ chức các hoạt động khảo sát, tìm kiếm thị trường, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại để mở rộng quy mô kinh doanh, tăng sản lượng tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, tổ chức liên kết sản xuất theo kế hoạch đề ra và thu mua toàn bộ các sản phẩm đạt chất lượng cho các hộ tham gia dự án liên kết theo đúng yêu cầu của hợp đồng liên kết.
Năm 2022, toàn huyện Đam Rông phát triển thêm 2 chuỗi liên kết sản xuất, với trên 120 hộ tham gia chuỗi, nâng tổng số chuỗi, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lên 11 chuỗi (tăng 22% so với cùng kỳ). Với trên 800 hộ tham gia, sản lượng nông sản qua chuỗi đạt trên 9.500 tấn. Toàn huyện Đam Rông đã được công nhận 6 sản phẩm OCOP cấp tỉnh gồm chuối Laba (xã Đạ K’nàng), hạt mắc ca sấy (xã Phi Liêng), cà phê phin và trà dây rừng (xã Liêng S’rônh), dứa mật (xã Rô Men), sầu riêng (xã Đạ R’sal).
Hiện, trên địa bàn có một số chuỗi hoạt động tương đối hiệu quả và đang mở rộng các liên kết như các chuỗi: Dâu tằm Duy Phương (xã Đạ R’sal), chuối Laba (xã Đạ K’nàng), rau hoa công nghệ cao (Đạ K’nàng), sản xuất rau thương phẩm (xã Phi Liêng).
Ông Nguyễn Văn Chính - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đam Rông cho biết, địa phương đã và đang hình thành nhiều chuỗi liên kết đã giúp người dân nâng cao ý thức sản xuất theo nhu cầu thị trường, đồng thời bà con còn được cung cấp thông tin thị trường, vốn để phục vụ sản xuất. Ngoài ra, khi triển khai thực hiện tốt chuỗi giá trị trong sản xuất sẽ giúp các hợp tác xã, tổ hợp tác trong huyện gia tăng khả năng cạnh tranh và từng bước xây dựng được thương hiệu nông sản của địa phương.
Bên cạnh kêu gọi liên kết hợp tác, thời gian qua, ngành chức năng huyện Đam Rông còn đặc biệt quan tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất như thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện tạo ra sản phẩm an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đam Rông cho biết thêm, để tiếp tục triển khai có hiệu quả chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, đặc biệt là nông sản chủ lực theo hướng gia tăng giá trị sản phẩm trên địa bàn huyện được ổn định, bền vững, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường thông tin tuyên truyền quảng bá giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP của địa phương. Đồng thời, thực hiện hỗ trợ tư vấn liên kết, đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ về giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm. Song song với đó, ngành sẽ triển khai hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hình thành các vùng chuyên sản xuất một số cây trồng, vật nuôi chủ lực có giá trị kinh tế cao. Các chủ thể là hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh cần nâng cao trình độ khoa học, công nghệ trong sản xuất để giá trị sản phẩm được tăng lên cả về số lượng và chất lượng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin