Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đang hướng đến hình thành hệ sinh thái nông nghiệp số với đa dạng lĩnh vực hoạt động vào năm 2025, tầm nhìn năm 2030, góp phần đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và tích hợp trong hệ thống dữ liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trong hệ sinh thái nông nghiệp số có hệ thống dữ liệu cập nhật về diện tích, sản lượng cây trồng |
• ĐA DẠNG SẢN PHẨM ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ
Theo mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đạt tỷ lệ 100% các sản phẩm công nghệ số gồm: thủ tục hành chính được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; công việc được xử lý trên hệ thống chính quyền điện tử, trình ký văn bản, các chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên hệ thống thông tin của tỉnh, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm dùng chung ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập và các phần mềm ứng dụng dịch vụ mới theo hướng sử dụng chung hạ tầng số, nền tảng số và các dịch vụ công nghệ thông tin sẵn có; hoàn thành cơ sở dữ liệu số nông nghiệp về cây trồng, vật nuôi, thủy sản, quy hoạch, thống kê, báo cáo, phân tích số liệu…
Bên cạnh đó, phấn đấu 100% các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực và 80% sản phẩm nông sản của tỉnh được hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử. Ngoài ra có trên 30% doanh nghiệp, hợp tác xã, kinh tế hộ gia đình sử dụng, khai thác, vận hành các nền tảng dùng chung và chia sẻ dữ liệu với hệ sinh thái nông nghiệp số; cung cấp dữ liệu mở có thể truy cập, sử dụng dễ dàng; hoàn thiện kho dữ liệu số đáp ứng các yêu cầu về kết nối, chia sẻ tài nguyên thông tin, dữ liệu trong các đơn vị thuộc ngành.
“100% cán bộ, công chức, viên chức trong ngành định kỳ hàng năm được tập huấn, bồi dưỡng về chuyển đổi số, kỹ năng số; trong đó 10% được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu. Thúc đẩy các doanh nghiệp, hợp tác xã, kinh tế hộ tăng cường ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp...”, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết thêm.
Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cũng đã xác định các nhóm giải pháp xây dựng hệ sinh thái số nhằm đạt các mục tiêu phấn đấu nói trên. Cụ thể tập trung xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu về kỹ thuật, quy trình canh tác cho từng cây trồng, vật nuôi để hỗ trợ người sản xuất và các cơ quan chuyên trách truy cứu, ứng dụng. Đồng thời, giới thiệu các thành tựu khoa học công nghệ trên thế giới, kết quả các đề tài nghiên cứu để chia sẻ thông tin cho người sản xuất và cán bộ quản lý. Định kỳ cập nhật các bảng giá nông sản, vật tư và thông tin các nhà cung cấp phục vụ hoạt động sản xuất; tích hợp quản lý sản phẩm sơ chế, chế biến đồng bộ trong quá trình quản lý nguồn đầu vào, đầu ra, truy xuất nguồn gốc và quản lý chất lượng sản phẩm.
• CẤP QUYỀN TRUY CẬP THÔNG TIN CHO NÔNG DÂN VÀ DOANH NGHIỆP
Như trên lĩnh vực trồng trọt, trong hệ sinh thái công nghệ số thiết lập nền tảng dữ liệu về diện tích, sản lượng cây trồng, vùng trồng rau, hoa, chè, cà phê, dâu, lúa, cây ăn quả, sầu riêng, mắc ca để dự báo và phát triển thị trường. Trong đó ứng dụng công nghệ thông minh, phát triển hạ tầng internet vạn vật như hệ thống cảm biến giám sát độ ẩm, tiết kiệm lượng nước tưới để phân tích các giai đoạn sinh trưởng của cây trồng. Trước mắt ưu tiên cấp và quản lý mã số vùng trồng các loại cây sầu riêng, bưởi da xanh, măng cụt, chanh leo… cung cấp thị trường xuất khẩu và thị trường cao cấp trong nước; xây dựng cổng thông tin nông nghiệp liên kết nhà nông, nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp trên địa bàn.
Hoặc trên lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản được thiết lập nền tảng dữ liệu về tổng đàn, sản lượng các loại vật nuôi trên địa bàn. Trên cơ sở đó, ứng dụng công nghệ IoT quản lý tự động về cung cấp thức ăn, hỗ trợ sinh sản và tăng năng suất vật nuôi, xử lý chất thải để bảo vệ môi trường; quản lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, cơ sở giết mổ, công tác tiêm phòng, phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở, hộ gia đình chăn nuôi.
Đáng kể, các vùng nuôi trồng cá nước lạnh, cá truyền thống còn tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu hướng dẫn sản xuất, quản lý môi trường, giống thủy sản, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn, thuốc, hoá chất; thiết lập bản đồ số dịch tễ…
“Khi hình thành hệ sinh thái nông nghiệp số sẽ cung cấp thông tin nhanh nhất về tình hình sản xuất theo thời điểm và truyền tải kịp thời các cơ chế chính sách mới tới người dân và doanh nghiệp. Trong đó, xác định rõ người nông dân và doanh nghiệp được cấp quyền truy cập thông tin về diện tích, năng suất, sản lượng, vùng trồng, diễn biến và giải pháp phòng, chống dịch bệnh, thông tin về khoa học công nghệ, trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất; hệ thống cung ứng vật tư nông nghiệp, tiêu thụ nông sản, giá cả và dự báo thị trường vật tư, thị trường nông sản; các cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước, quy hoạch sử dụng đất, định hướng, kế hoạch sản xuất…”, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng nhận định.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin