Hỗ trợ sinh kế phù hợp với thực tiễn

HỒNG THẮM 03:42, 29/03/2023

Từ những hỗ trợ thiết thực và quá trình giám sát chặt chẽ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) ở các địa phương, nhiều mô hình giảm nghèo đã bước đầu phát huy hiệu quả, giúp người dân có sinh kế cải thiện cuộc sống.

Nghề trồng dâu nuôi tằm đem lại hiệu quả cho người dân Lâm Hà
Nghề trồng dâu nuôi tằm đem lại hiệu quả cho người dân Lâm Hà

Ông Bon Yô Soan - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, ngay từ đầu năm 2022, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tiến hành làm việc với từng huyện để khảo sát, triển khai các mô hình sinh kế phù hợp với thực tế các địa phương. Mục tiêu chính là tập trung nhân rộng các mô hình đã có sẵn, phát huy hiệu quả ở địa phương và phù hợp với điều kiện của từng gia đình được nhận hỗ trợ, đặc biệt là đối với các hộ nghèo, cận nghèo.

Theo đó, các huyện cũng đã chủ động rà soát, lập danh sách các hộ nghèo, cận nghèo có đủ điều kiện, có nhu cầu và có khả năng lao động, có ý chí vươn lên thoát nghèo để xây dựng kế hoạch để triển khai đề án. 

Huyện Lâm Hà là một trong 7 địa phương được phân bổ nguồn vốn 2 tỷ đồng để phát triển các mô hình trồng dâu nuôi tằm tại 5 xã Mê Linh, Phú Sơn, Tân Thanh, Liên Hà và Đan Phượng. Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã phối hợp với UBND các xã tổ chức phân công cán bộ theo dõi, giám sát triển khai thực hiện phương án của từng hộ để phát triển mô hình một cách hiệu quả, thiết thực, tránh hình thức để thực sự khơi dậy ý chí, nỗ lực của người dân trong việc vươn lên thoát nghèo bền vững.

“Mình cũng chỉ mới bắt đầu nghề này hơn 2 năm, nhưng ban đầu ít vốn nên chỉ nuôi từng chút một. Vừa rồi được thêm hỗ trợ của Nhà nước, mình trồng thêm dâu, có thêm nong né nên mỗi lần cũng mạnh dạn nuôi từ 1 - 2 hộp. Nhờ thế mà thu nhập của gia đình cũng đỡ hơn, không còn cảnh đi vay mượn đắp đổi qua ngày như trước nữa”, bà Ka Dơng, thôn Preteing 2 (xã Phú Sơn) nói. 

Ông Lâm Văn Quyền, Trưởng thôn Preteing 2 cho biết, hiện nay, nghề trồng dâu nuôi tằm đã cải thiện sinh kế, thu nhập cho nhiều gia đình tại địa phương. Từ vài hộ dân đầu tiên chuyển đổi có hiệu quả, bằng nguồn vốn hỗ trợ từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đã có 43 hộ dân được hỗ trợ với tổng số tiền 20 triệu đồng/hộ.

Nhiều gia đình trước đây không có điều kiện để thực hiện chuyển đổi mô hình sản xuất cũng từ đó mà đã mạnh dạn thay thế một số diện tích cà phê năng suất thấp, già cỗi sang trồng dâu nuôi tằm. Ông Quyền cũng trực tiếp là người đi khảo sát, nắm bắt tình hình sản xuất của của từng hộ dân đã đăng ký nhận hỗ trợ và ghi chép cẩn thận từng giai đoạn để kịp thời đưa con giống, phân bón cho bà con.

Ông Bon Yô Soan cho biết thêm, trong năm 2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã thực hiện giải ngân vốn hỗ trợ tại 7 huyện: Đam Rông, Lạc Dương, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Tẻh và Cát Tiên. Tổng kinh phí phân bổ hơn 18 tỉ đồng với 1.259 hộ. Mỗi hộ được hỗ trợ tương ứng 10 - 20 triệu tùy thuộc vào điều kiện của từng hộ mà thực hiện các mô hình trồng chuối Laba, trồng dâu nuôi tằm, trồng chanh dây, cải tạo trồng xen cây ăn trái, cây sầu riêng trong vườn điều già cỗi, chăn nuôi gia súc, gia cầm nhốt chuồng để giảm nghèo, thoát nghèo bền vững…

Kinh phí được trích từ Quỹ Vì người nghèo của tỉnh. Đây cũng là cách làm mới trong hoạt động hỗ trợ giảm nghèo của MTTQ, thay vì hỗ trợ tiền mặt một lần, MTTQ các cấp có trách nhiệm giám sát, quản lý chặt chẽ theo từng giai đoạn sản xuất của các hộ dân được nhận hỗ trợ. Qua đó, cũng gắn trách nhiệm của từng địa phương trong việc giám sát tiến độ, đảm bảo đầu ra và để bà con có vốn tái đầu tư. 

Sâu xa hơn nữa, theo ông Bon Yô Soan, khi người dân đã có được hiệu quả kinh tế từ các mô hình bền vững ở địa phương thì các cấp sẽ tiếp tục hỗ trợ để bà con có điều kiện tham gia phát triển kinh tế tập thể gắn với chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh.