(LĐ online) - Việc áp dụng mô hình điện mặt trời kết hợp với sản xuất nông nghiệp đã giúp người nông dân tại địa phương tăng thêm thu nhập, chủ động được nguồn năng lượng phục vụ sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt. Họ là những nông dân đi trước đón đầu và ứng dụng hiệu quả từ mô hình ứng dụng pin năng lượng mặt trời trên mái nhà.
Hộ nông dân Nguyễn Phong Phú sử dụng pin mái nhà để tiết kiệm điện rất hiệu quả |
Chúng tôi tới thăm mô hình trang trại của anh Nguyễn Phong Phú - Tổ dân phố Nghĩa Lập 5, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương và thật bất ngờ trước quy mô của mô hình nông nghiệp khép kín rộng trên 5 ha. Anh Phú đã đầu tư ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh hàng chục năm qua và cho kết quả khả quan.
Hiện nay, anh tiếp tục tận dụng nguồn năng lượng mặt trời để tiết kiệm điện, tiết kiệm chi phí đầu tư. Trong vườn nhà anh chủ yếu trồng hoa thương phẩm, các loại hoa giống mới, thị trường ưa chuộng như đồng tiền, sao tím, mai xanh, lá trang trí hoa nghệ thuật đến chăn nuôi 70 con bò sữa cho thu về trên 300l sữa tươi mỗi ngày.
Được biết, là doanh nghiệp nông nghiệp sản xuất với mô hình với nông nghiệp tuần hoàn khép kín, định hướng phát triển du lịch canh nông trước đây trung bình mỗi tháng Công ty Phong Phú, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương phải chi trả từ 9 - 10 triệu đồng tiền điện mỗi tháng. Tuy nhiên, từ khi áp dụng các hình thức tiết kiệm điện, bằng việc triển khai mô hình lắp đặt năng lượng áp mái, doanh nghiệp này đã tiết kiệm gần như toàn bộ chi phí sử dụng điện. Cũng theo đại diện doanh nghiệp, mô hình năng lượng áp mái là mô hình khá mới, song hiệu quả thực tế rất cao, nhất là góp phần chung tay trong sử dụng nguồn năng lượng xanh.
Nông dân sử dụng đèn tiết kiệm điện trong nhà vườn |
Việc kết hợp sản xuất nông nghiệp với điện mặt trời không chỉ giúp tăng giá trị sử dụng đất mà còn tạo cơ hội cho người nông dân có thêm thu nhập, tiếp cận được nguồn năng lượng sạch và bền vững, từ đó góp phần bảo vệ môi trường; góp phần sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, thân thiện môi trường.
Anh Nguyễn Phong Phú chia sẻ: Hệ thống pin mái nhà của gia đình mình được lắp vào quý 4 năm 2022 với kinh phí trên 300 triệu đồng, đến nay cho thấy có nhiều lợi ích rõ rệt như: Chủ động nguồn điện, tiết kiệm điện trong gia đình, nhất là điện phục vụ sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi như vắt sữa bò, phun tưới tự động, tiết kiệm khoảng 24 triệu/năm.
Cũng như Công ty Phong Phú, Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Gia Nguyễn, xã Quảng Lập, huyện Đơn Dương cũng chú trọng triển khai các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm tối ưu nhất... Đặc thù là sản xuất rau hữu cơ, sử dụng nguồn nước thường xuyên, liên tục, nhất là tại các thời điểm mùa khô, nắng nóng, có thời điểm hợp tác xã này phải dùng trên 15 máy bơm công suất lớn. Để giảm chi phí tiền điện, ngoài việc thay đổi thói quen sử dụng, hạn chế sử dụng điện vào các giờ cao điểm, đơn vị còn sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện. Nhờ áp dụng các hình thức này mà chi phí tiền điện hàng tháng đã giảm khoảng 30% so với trước.
Hộ gia đình ông Đinh Quang Trung, đường Langbiang, tổ dân phố Đồng Tâm, thị trấn Lạc Dương có mô hình ứng dụng pin năng lượng mặt trời vận hành hệ thống tưới thông minh kết hợp bón phân. Qua đó đã giúp tiết giảm khoảng 50-60% nhân công lao động, giảm khoảng 30% lượng phân bón sử dụng, thuốc bảo vệ thực vật trong khi vẫn kiểm soát tốt dịch bệnh hại cây trồng.
Chị Lê Thị Năm (vợ ông Trung) chia sẻ: Từ ngày lắp pin mái nhà tạo nguồn điện sử dụng trong sản xuất đã tạo thuận lợi cho gia đình rất nhiều. Chị có thể chủ động nguồn điện hơn khi sản xuất trồng trọt. Có thể nói, từ việc áp dụng mô hình này đã đảm bảo tăng khoảng 20 - 30% năng suất, chất lượng sản phẩm và tạo ra sản phẩm đồng nhất; vừa góp phần tăng thu nhập cho người dân, vừa giảm nguồn gây ô nhiễm, giảm phát thải khí nhà kính do hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Những mô hình tiết kiệm điện từ sử dụng pin mái nhà như thế này rất cần khuyến khích người dân, nhất là mô hình kết hợp năng lượng và sản xuất nông nghiệp. Để phát triển rộng rãi mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp điện mặt trời áp mái vẫn còn nhiều khó khăn, đòi hỏi phải áp dụng công nghệ cao, giá thành đắt. Tuy nhiên, việc thúc đẩy phát triển các mô hình này sẽ hạn chế tối đa những hệ lụy về môi trường... Do đó, cần có chính sách cụ thể, phù hợp, linh hoạt với từng địa phương để điện mặt trời áp mái được phát triển đồng bộ, bền vững và tương xứng với tiềm năng sẵn có.
Những năm qua, các doanh nghiệp Lâm Đồng đã từng bước hình thành cho mình ý thức tiết kiệm điện với nhiều hình thức đa dạng, hiệu quả như: Sử dụng các thiết bị, công nghệ sản xuất hiện đại thay thế công nghệ cũ tiêu tốn nhiều điện năng, hay là đưa vào sử dụng các bóng đèn tiết kiệm điện, hoặc tắt các thiết bị điện không cần thiết… Cùng với đó, hình thành thói quen không sử dụng điện vào các thời gian cao điểm, nhờ đó đã giảm bớt giá thành, chi phí trong sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần chống quá tải cục bộ vào thời điểm mùa khô.
Ông Đặng Thanh Bình - Giám đốc Điện lực Lạc Dương chia sẻ: Năm 2023, Chiến dịch Giờ Trái đất với chủ đề “Tiết kiệm điện - Thành thói quen”, cùng với 7.000 thành phố thuộc 172 quốc gia trên thế giới, tỉnh Lâm Đồng đã thiết thực hưởng ứng chiến dịch này thông qua các hình thức tuyên truyền trực quan, treo băng rôn, khẩu hiệu, truyền thông trên hệ thống phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội. Cùng với đó, sự kiện tắt đèn trong 1 giờ hưởng ứng chiến dịch giờ trái đất sẽ diễn ra từ 20h30 đến 21h30 thứ bảy, ngày 25/3/2023 nhằm kêu gọi mọi tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh tham gia bằng các hình thức như tắt đèn và tắt các thiết bị điện không cần thiết vào thời gian diễn ra sự kiện. Khi người dân tiết kiệm điện sẽ giảm chi phí, đảm bảo nguồn điện cung ứng đầy đủ phục vụ xã hội.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin