Khởi nghiệp và kiên định với cà phê hữu cơ

NHẬT QUỲNH 06:14, 03/03/2023

Trăn trở với ước mơ nâng cao giá trị cho cây cà phê trên chính mảnh đất quê hương, anh Phạm Ngọc Côi đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để tìm hiểu và theo đuổi hướng đi hữu cơ. Dù gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong việc chuyển đổi, chăm sóc và nhân rộng, song anh vẫn kiên định với lựa chọn của mình và bước đầu đạt được những thành công nhất định. 

Anh Côi (trái) dành trọn niềm tin và tâm huyết cho hạt cà phê hữu cơ
Anh Côi (trái) dành trọn niềm tin và tâm huyết cho hạt cà phê hữu cơ

Được sự giới thiệu của Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Đơn Dương, chúng tôi tìm đến vườn cà phê của anh Phạm Ngọc Côi (thôn Lạc Xuân 2, xã Lạc Xuân) - một CCB trẻ dám nghĩ, dám làm và dám đi đến cùng với hạt cà phê hữu cơ. Mặc dù mới 38 tuổi, nhưng nhìn anh phong trần hơn so với tuổi. Vừa dẫn chúng tôi đi tham quan vườn cà phê trĩu quả, anh vừa kể về hành trình khởi nghiệp và kiên định theo đuổi giấc mơ cà phê hữu cơ của mình.

Tình yêu dành cho cây cà phê của anh được vun đắp qua những năm tháng tuổi thơ phụ giúp gia đình chăm sóc nương rẫy, để rồi, sau khi xuất ngũ anh tiếp tục khởi nghiệp với cây cà phê. Nhưng, phải đến khi sang Lào và gặp các kỹ sư nông nghiệp từng học ở Nga, anh mới dần hình thành khái niệm cà phê hữu cơ. Trở về Lạc Xuân, anh ấp ủ ý tưởng canh tác cà phê hữu cơ với hàng trăm ý nghĩ, câu hỏi về giá trị, đầu ra, cách chăm sóc, thời tiết, thổ nhưỡng… mà anh phải giải quyết. Càng đi sâu tìm hiểu, anh dần nhận ra, canh tác hữu cơ chính là hướng đi bền vững, không chỉ vì giá trị, nhu cầu tiêu dùng mà còn vì ý thức bảo vệ sức khỏe, đa dạng sinh học và cân bằng hệ sinh thái. “Sử dụng thuốc, phân bón hóa học quá nhiều, lâu ngày, sẽ làm mất cân bằng tự nhiên trong môi trường đất, khiến đất chua, bạc màu, chi phí đầu tư tăng, nhưng chất lượng cây trồng lại ngày càng giảm, sản xuất không hiệu quả”, anh Côi nói. 

“Sau thời gian dài tìm hiểu, nghiên cứu và sàng lọc kiến thức về nông nghiệp hữu cơ của các nước Nhật, Úc, Mỹ, tôi hiểu ra mình đang đi ngược với tự nhiên”, anh nói. Vì vậy, để giúp cây cà phê từng bước thích nghi với môi trường hữu cơ, anh Côi giảm dần lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học. Tuy nhiên, đến năm 2015, cà phê của gia đình anh bị bọ xít muỗi tấn công, năng suất và chất lượng hạt giảm mạnh. “Thời điểm này, mật độ côn trùng quá lớn, nếu không xịt thuốc trừ sâu thì sẽ thất thu nhưng nếu dùng thuốc thì thiên địch sẽ chết, vi sinh vật trong đất cũng không còn”, anh chia sẻ.

Quyết tâm theo đuổi hướng cà phê sạch, vì vậy, năm 2016, anh Côi quyết định cưa gốc 3 ha cà phê, tương ứng với gần 7.000 cây, sau đó mang đi đốt để hủy mầm mống côn trùng, cải tạo, phục hồi cà phê. Sau 2 năm, đất dần hồi phục, tơi xốp trở lại, hệ vi sinh vật phát triển đa dạng, cây bắt đầu cho trái bói. Sản lượng cà phê cũng dần được cải thiện, năm đầu, cà phê của gia đình đạt 5 tạ cà phê tươi/3 ha, đến năm thứ hai đã tăng lên 3 tấn/3 ha. “Điều này càng khiến tôi tin rằng, bản thân đã đi đúng hướng”, anh Côi nhớ lại.

Vừa kiên trì chuyển đổi canh tác hữu cơ, anh vừa nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các hộ sản xuất thành công khác, cũng như từ sách vở, thông tin trên internet về cây giống, cách trồng, kỹ thuật chăm sóc… đến cách nếm cà phê. Từ đó, anh đã tự mày mò chế ra nhiều loại phân, thuốc sinh học bón cho cây, giúp cây sinh trưởng tốt, cho ra hạt cà phê sạch, chất lượng mà không ảnh hưởng đến môi trường lẫn sức khỏe của con người. Các dòng phân tự ủ từ nguồn nguyên liệu vỏ cà phê, lá cúc quỳ, trứng, sữa đậu nành… giúp bổ sung các loại dưỡng chất như Kali, Axit amin, Nano sinh học… cho cây cà phê phát triển khỏe mạnh. Để phòng trừ sâu bệnh hại, anh Côi sử dụng thiên địch và các loại thuốc xịt sinh học tự chế. Đến nay, diện tích cà phê Catimor của gia đình phát triển xanh tốt, cho sản lượng ổn định, với khoảng 10 tấn cà phê sạch/1 năm. Cà phê của anh cũng được các cửa hàng kinh doanh cà phê tại các tỉnh, thành trong nước ưa chuộng, một số cũng đã được xuất sang thị trường Nhật Bản, Úc. Những thành công bước đầu này giúp anh vững tin hơn với con đường hữu cơ của mình. 

Từng nếm thử rất nhiều vị cà phê, anh Côi chia sẻ, vị của cà phê hữu cơ khác hoàn toàn với những loại cà phê trồng thông thường. Cà phê hữu cơ có vị đằm, ngọt thanh, hương thơm khác biệt. Hơn nữa, cà phê hữu cơ có nồng độ chất chống oxy hóa cao, đa dạng hoạt chất, giàu dinh dưỡng. “Mặt khác, người tiêu dùng ngày càng ý thức cao về sức khỏe, chế độ dinh dưỡng lành mạnh, vì vậy, hữu cơ là hướng đi đúng đắn”, anh nói.

Khởi nghiệp với ước mơ tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao cho người tiêu dùng, qua đó, khẳng định và nâng tầm nông sản Việt, anh Côi dành trọn tâm huyết cho hạt cà phê hữu cơ. Chia sẻ về những dự định của mình, anh cho biết, đang tìm hiểu về việc xây dựng chuỗi cà phê sạch khép kín, từ quy trình trồng, thu hoạch, chế biến, đến phân phối. Sau khi những công đoạn cuối cùng của việc xây dựng nhà xưởng hoàn thành, những kế hoạch về nhân công, chế biến, đóng gói, tem nhãn, phân phối sẽ được anh tiến hành. “Dù khó khăn là điều không tránh khỏi trên hành trình đi cùng cà phê hữu cơ, nhưng chỉ cần có niềm tin và kiên định, tôi tin mình sẽ tới đích”, anh Côi nói.