(LĐ online) - Cùng với các địa phương, nghề trồng dâu nuôi tằm của người dân trên địa bàn huyện Lâm Hà có nhiều khởi sắc trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, ngành ươm tơ có đóng góp đáng kể vào giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp của địa phương. Huyện cũng đã trình hồ sơ để được cộng nhận nhãn hiệu tập thể Tơ tằm Lâm Hà.
Chất lượng kén tằm Lâm Hà được đánh giá cao |
PHÁT HUY NGHỀ TRUYỀN THỐNG
Theo thống kê, diện tích dâu tằm trên toàn huyện Lâm Hà là 3.627.6 ha, trong đó dâu giống mới 3.450 ha (như S7-CB, VA-201), diện tích cho sản phẩm 3.500 ha, năng suất 280 tạ/ha.
Trước đó, UBND huyện Lâm Hà đã xây dựng Đề án Phát triển bền vững dâu tằm tơ trên địa bàn huyện Lâm Hà giai đoạn 2019-2023 với mục tiêu phát triển ngành dâu tằm tơ theo hướng sản xuất hiệu quả, bền vững; hình thành vùng nguyên liệu dâu tằm ổn định, gắn nghề trồng dâu, nuôi tằm với ươm tơ dệt lụa và bảo vệ môi trường; nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cho sản phẩm dâu tằm tơ; góp phần nâng cao đời sống người dân nông thôn.
Trên địa bàn huyện có hai làng nghề trồng dâu, nuôi tằm truyền thống, được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận làng nghề truyền thống vào ngày 1/11/2015. Cả hai làng nghề trên cùng ở thị trấn Nam Ban là Làng nghề Dâu tằm tơ Hùng Vương Đông Anh 3 và Làng nghề Dâu tằm tơ Đông Anh 5.
Ngoài tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động, các làng nghề trồng dâu, nuôi tằm còn là nơi lưu giữ văn hoá truyền thống ở các làng quê trong huyện.
“Nuôi lợn cả năm không bằng nuôi tằm một vụ”, ông Nguyễn Văn Hiển – Tổ trưởng Làng nghề Dâu tằm tơ Đông Anh 5 một lần nữa khẳng định câu nói trên. Nghề trồng dâu nuôi tằm là nghề truyền thống người dân mang vào từ thời kỳ thành lập huyện từ những năm 1980. Hai năm nay trở lại đây, giá kén liên tục đạt mức cao kỷ lục và giữ ổn định khiến người nuôi tằm phấn khởi.
Làng nghề Dâu tằm tơ Đông Anh 5 hiện có 86 hộ, diện tích dâu cũng ngày một tăng lên. “Với giá cả ổn định như hiện nay, người dân có vốn để mở rộng diện tích và cũng đầu tư hệ thống tưới tự động, cải thiện chất lượng lá dâu. Các hộ dân cũng tham gia liên kết với các công ty thu mua kén, dường như vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp ươm tơ”, ông Hiển cho biết thêm.
Tại nhiều địa phương như thị trấn Đinh Văn, các xã Tân Văn, Phú Sơn, Đông Thanh…, chính quyền địa phương đã vận động người dân chuyển đổi đất lúa một vụ, khai thác vùng đất sình, bờ ao để trồng các giống dâu mới cho năng suất cao. Trong 3 tháng đầu năm nay cũng đã thực hiện trồng mới 100 ha dâu trên diện tích đất lúa 1 vụ, đất cà phê và các loại cây trồng kém hiệu quả.
Các doanh nghiệp ươm tơ ứng dụng nhiều kỹ thuật trong sản xuất |
XÂY DỰNG NHÃN HIỆU TƠ TẰM LÂM HÀ
Phát triển ngành tiểu thủ công nghiệp ươm tơ sẽ là tiền đề cũng như điều kiện để thúc đẩy ngành trồng dâu nuôi tằm và một số lĩnh vực khác tại địa phương. Xác định rõ điều này, hằng năm, Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Lâm Hà đã rà soát, nắm rõ các cơ sở sản xuất để từ các nguồn vốn có thể đề xuất hỗ trợ việc đầu tư máy móc, mở rộng nhà xưởng với các sơ sở chế biến để nâng cao giá trị sản xuất, đặc biệt ưu tiên với hoạt động liên quan đến sản xuất mắc ca và tơ tằm.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện có 9 cơ sở ươm tơ, thu mua phần lớn sản phẩm kén tằm của người dân và nhiều khu vực khác trong tỉnh. Đồng thời, hình thành các liên kết, hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với bà con nông dân.
Theo ông Trần Bá Phước Anh – quản lý công ty TNHH tơ lụa Hualong Lâm Đồng (xã Gia Lâm) cho biết, nghề trồng dâu nuôi tằm hiện tại đang phát triển. Điểm lợi thế là các khu vực ở Lâm Hà, người dân đều rất lành nghề, có truyền thống từ lâu đời, cùng với việc ứng dụng công nghệ trong trồng dâu, nuôi tằm mà năng suất cũng giữ được sự ổn định.
Thời gian trở lại đây, hoạt động của các công ty ươm tơ cũng rất nhiều, tuy nhiên lượng kén vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
“Hiện nay, với tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đa phần các cơ sở đã chuyển từ ươm tơ cơ khí thủ công qua ươm tơ tự động, nâng cao năng suất. Chính vì thế, lượng kén đầu vào tiêu thụ rất lớn, ngoài Lâm Hà, công ty còn thu mua kén ở một số huyện khác. Chất lượng kén ở tằm Lâm Hà được đánh giá khá cao so với mặt bằng chung của tỉnh”, ông Phước Anh cho biết thêm.
Ngoài tạo thu nhập ổn định cho người trồng dâu nuôi tằm, nghề ươm tơ cũng tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương |
Ông Trần Thanh Hưng – Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Lâm Hà cho biết, năm 2022, địa phương đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu Tơ tằm Lâm Hà. Địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi như diện tích trồng dâu, nuôi tằm lớn, nông dân am hiểu nghề, nắm vững kỹ thuật, chất lượng kén tằm ổn định, nhiều doanh nghiệp ươm tơ đóng chân trên địa bàn…
Vì vậy, trong thời gian chờ Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể, địa phương tiếp tục khuyến khích các hộ gia đình, các cơ sở ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ đầu tư máy móc thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất cho phù hợp. Từ đó hình thành vùng nguyên liệu tập trung, đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Đồng thời, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sợi tơ, lụa thành phẩm và đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp; hỗ trợ các hoạt động đào tạo, nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp.
Tiếp tục khảo sát, đánh giá các cơ sở chế biến tơ tằm, đồng thời có biện pháp mở rộng các cơ sở sản xuất tơ tằm trên địa bàn huyện ở khu vực các xã, thị trấn; thu hút các doanh nghiệp đầu tư theo quy trình khép kín từ trồng dâu, nuôi tằm đến ươm tơ, dệt lụa, đáp ứng các điều kiện sản xuất, nâng cao chất lượng tơ tằm hướng tới xuất khẩu; phấn đấu đến năm 2025, sản lượng kén tằm ước đạt 1.000 tấn/năm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin