Tân Thành, xã tách ra từ xã Tân Hội, huyện Đức Trọng đang phát triển mạnh cây hoa màu. Điều đặc biệt với nông dân Tân Thành, đó là bà con luôn trồng la-gim thương phẩm theo hợp đồng với các đơn vị thu mua. Trong đó, cây cà tím Nhật đang được nhiều nông hộ lựa chọn để canh tác.
Thu hoạch cà tím Nhật |
Vừa thu hoạch những trái cà tím Nhật, ông Huỳnh Lộc Tài, nông dân xã Tân Thành cho biết, ông trồng cà theo hợp đồng với một doanh nghiệp tại Đức Trọng. Đây là giống cà thân thấp vừa, kích cỡ trái nhỏ, có màu tím sậm, thường được bà con gọi là cà mắt trâu, cà dài. Với 3 sào cà, ông Tài thu đạt năng suất khá cao, khoảng 6 tấn/tháng. Ông chia sẻ, với giá bán được tính trước 5.500 đồng/kg, 6 tấn cà cho thu từ 20 - 25 triệu đồng/tháng, sau khi trừ hết chi phí.
Theo ông Huỳnh Lộc Tài, cà tím Nhật là cây trồng rất dễ chăm sóc. Sau khi mang cây con về, trồng trên luống, cắm choái giữ cây ổn định, chỉ 45 ngày là cây bắt đầu có trái. Cây cà tím Nhật không kén đất, như chân đất của vườn ông không đẹp, khá cằn nhưng cây vẫn phát triển tốt. Cây sẽ ra trái liên tục trong vòng 12 tháng, với năng suất cao nhất vào các tháng 4, 5, 6. Sau đó, năng suất sẽ giảm dần và tới 12 tháng có thể phá vườn cà để trồng lại. Ông cho biết, do trồng theo hợp đồng nên việc kiểm soát quy trình trồng rất kỹ, công ty đưa ra một danh sách những thứ thuốc không được sử dụng và thường xuyên kiểm tra, giám sát nông dân. Để đảm bảo uy tín, hợp tác lâu dài với doanh nghiệp, nông dân cũng thực hiện đúng quy trình chăm sóc và hái trái. Trong đó, có 7 loại thuốc nông dân tuyệt đối không được sử dụng và một số cần thời gian cách li. Ông Tài cho biết: “Ngay khi hái cà, chúng tôi cũng phải tuân theo kích cỡ do doanh nghiệp quy định, hái trái có trọng lượng từ 70 - 140 gram. Cây cà ưa phân hữu cơ, bỏ phân hữu cơ là cây khỏe, trái nhiều, bên cạnh bỏ phân NPK định kì”.
Không chỉ gia đình ông Huỳnh Lộc Tài, ông Nguyễn Văn Dịu cũng vừa kí hợp đồng với một doanh nghiệp để xuống giống cà tím Nhật. Ông Dịu cho biết, ông kí “giá ăn trước” với công ty là 5.800 đồng/kg và sẽ xuống giống 3 sào cho vụ này. Ông Dịu vốn có kinh nghiệm trồng la-gim các loại nhưng hiện tại, ông chọn cà tím để trồng do đây là cây trồng có thời gian thu hoạch dài, công chăm sóc ít hơn các cây rau thương phẩm khác. Đặc biệt, do trồng hợp đồng với công ty nên ngay khi xuống giống, ông đã biết mỗi tháng mình thu được bao nhiêu tiền, là một lợi thế rất lớn cho người nông dân. Theo ông Dịu, trái cà tím lớn rất nhanh, được thu hoạch theo vòng, 3 ngày hái 1 lần. Tiền nong các doanh nghiệp thanh toán cho nông dân cũng rất nhanh gọn, được nông dân đánh giá cao về sự hợp tác giữa nông dân - doanh nghiệp. Ông Dịu đánh giá: “Thu nhập từ cây cà tím có thể thua cây rau thương phẩm khác một chút. Bù lại, trồng cà tím nhàn hơn, trồng 1 lần ăn quanh năm, công chăm sóc cũng ít hơn, không sợ cảnh được mùa rớt giá. Tôi và nhiều bà con xung quanh cũng đang mở rộng diện tích cà tím do thu nhập ổn định”.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành, huyện Đức Trọng cho biết, toàn xã có trên 20 ha cà tím Nhật được các nông hộ canh tác. Tất cả các nông hộ đều trồng theo hợp đồng, không có nông hộ nào cung cấp trên thị trường tự do. Nhiều nông hộ đã gắn bó, cung cấp cà tím cho doanh nghiệp trong nhiều năm. Sản xuất rau thương phẩm theo hợp đồng chính là mục tiêu của xã Tân Thành nói riêng cũng như nông dân Đức Trọng nói chung. Ông Sơn cho biết, có nông hộ trong xã trồng cà tím Nhật tới 2 ha, hoàn toàn cung cấp cho nhà máy, thu nhập rất ổn định. Hiện tại, Hội Nông dân xã Tân Thành và bà con trồng cà tím Nhật cũng như các cây trồng khác đang tính toán thành lập tổ hợp tác, đăng ký xây dựng VietGAP để có thể đưa cây rau Tân Thành vươn xa hơn, vào được những thị trường cao cấp, hệ thống cửa hàng, siêu thị.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin