Giá thu mua sữa tươi của các công ty đang có xu hướng tăng lên. Một số công ty có chính sách hỗ trợ giá thức ăn chăn nuôi… Đó là những tín hiệu vui cho người chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh. Và đây cũng là cơ sở quan trọng để tỉnh Lâm Đồng tiếp tục xác định những mục tiêu phát triển ngành Chăn nuôi bò sữa trong tương lai.
Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 5 công ty thu mua ổn định lượng sữa của nông dân |
Thời gian qua, lĩnh vực chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng gặp những khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng dẫn đến chi phí chăn nuôi bò sữa tăng. Một số thời điểm, đàn bò sữa giảm do một số hộ chăn nuôi chủ động giảm đàn hoặc chuyển hướng kinh doanh khác.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, hiện nay, đàn bò sữa toàn tỉnh đang phát triển dần ổn định trở lại do giá thu mua sữa tươi của các công ty đang có xu hướng tăng lên. Hiện, sản phẩm sữa tươi của nông dân được các doanh nghiệp và hợp tác xã trên địa bàn thu mua ổn định giao động từ 13 - 17,4 ngàn đồng/lít. Tùy theo năng suất và chất lượng sữa tươi của từng hộ/trang trại chăn nuôi sẽ có khung giá khác nhau theo yêu cầu tiêu chuẩn, chất lượng của từng công ty. Các công ty thu mua sữa tươi nguyên liệu đều đã tăng giá từ 1.000 đến 3.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Một số công ty còn có chính sách hỗ trợ giá thức ăn chăn nuôi. Bởi vậy, người nuôi bò sữa an tâm hơn và ổn định sản xuất.
Theo số liệu thống kê từ Chi cục Chăn nuôi, thú y và Thủy sản, tính đến tháng 2/2013, tổng đàn bò sữa của tỉnh Lâm Đồng có 25.590 con, tăng 2,1% so với cùng kỳ và tăng 1,9% so với cuối năm 2022. Đàn bò sữa được nuôi chủ yếu ở các huyện: Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm và TP Bảo Lộc với sản lượng sữa ước đạt khoảng 290 tấn/ngày. Toàn tỉnh hiện có khoảng 1.210 hộ, trang trại và 5 doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa. Trong đó có 2 trang trại chăn nuôi bò sữa hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam là Trại chăn nuôi bò sữa Oganic tại thị trấn Di Linh với 312 con bò sữa và Trang trại Oganic tại xã Tu Tra, huyện Đơn Dương với 720 con bò sữa. Đơn Dương hiện đang là địa bàn đứng đầu tỉnh về chăn nuôi bò sữa với 16.592 con, tăng 3% so với năm 2022 và chiếm 65% đàn bò sữa toàn tỉnh. Trong đó có hơn 7.900 con đang khai thác sữa với sản lượng bình quân đạt 167 tấn/ngày.
Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 5 công ty với 26 trạm thu mua sữa tươi nguyên liệu phân bố trên toàn tỉnh. Đặc biệt, Công ty Cổ phần Sữa Đà Lạt (Dalatmilk) và Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Kim Phát (VP milk) có nhà máy chế biến sữa tươi đặt tại tỉnh Lâm Đồng với công suất tối đa khoảng 58 tấn sữa/ngày.
Hình thức liên kết chủ yếu hiện nay là doanh nghiệp ký hợp đồng trực tiếp với từng hộ chăn nuôi hoặc ký hợp đồng thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác. Trên 95% sản lượng sữa tươi được thu mua thông qua hợp đồng giữa các hộ dân chăn nuôi bò sữa với các doanh nghiệp thu mua sữa trên địa bàn.
Căn cứ tình hình thực tiễn, tỉnh Lâm Đồng xác định bò sữa vẫn là một trong những vật nuôi chủ lực khi địa phương đang từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng ngành Chăn nuôi. Theo đó, tỉnh đã xây dựng kế hoạch phát triển đàn bò sữa đến cuối năm 2023 tăng lên 26.530 con, sản lượng sữa tươi đạt 113.230 tấn. Và Đơn Dương vẫn là địa phương được xác định đi đầu với 16.995 con bò sữa với sản lượng sữa tươi đạt 72.900 tấn. Tỉnh Lâm Đồng cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 nâng quy mô đàn bò sữa lên 35.000 con, sản lượng sữa tươi đạt 135.000 tấn. Trên 95% sản lượng sữa tươi do nông dân sản xuất được ký kết hợp đồng tiêu thụ. Lâm Đồng hướng đến thu hút đầu tư, xây dựng mới thêm 1 nhà máy chế biến sữa đóng chân trên địa bàn.
Để đạt được mục tiêu trên, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đang tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ nhằm chọn lọc, nâng cao chất lượng con giống như áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo để cải tạo con giống; chọn lọc, nhập khẩu con giống có năng suất, chất lượng, quản lý tốt các vấn đề liên quan đến giống bò sữa…
Cập nhật, hỗ trợ để người dân có kỹ thuật trong chăn nuôi nhằm từng bước nâng cao chất lượng và sản lượng sữa tươi. Ngoài ra, Lâm Đồng cũng tạo điều kiện để thu hút các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sữa, nhà máy chế biến thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh trên địa bàn tỉnh để chủ động nguồn thức ăn đảm bảo chăn nuôi…
Bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền địa phương, người chăn nuôi bò sữa Lâm Đồng cũng đang có những nỗ lực không ngừng. Phương thức chăn nuôi bò sữa luôn được các hộ chăn nuôi và doanh nghiệp quan tâm cải tiến từ khâu chăm sóc, nuôi dưỡng, chuồng trại, ứng dụng cơ giới hoá, công nghệ cao, đầu tư đồng bộ trang thiết bị phục vụ chăn nuôi như khâu làm đất trồng cỏ, vận chuyển, chế biến thức ăn, sử dụng máy móc công nghệ hỗ trợ trong quá trình chăn nuôi. Công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn bò sữa luôn được ưu tiên quan tâm, thực hiện tiêm phòng vắc xin theo quy định đối với bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng, vệ sinh chuồng trại khử trùng tiêu độc định kỳ. Người dân cũng trang bị máy vắt sữa đôi, máy vắt sữa hệ thống 6 con/lần và các phần mềm công nghệ ứng dụng trong chăn nuôi góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi bò sữa.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin