Đó là chia sẻ của ông Hồ Ngọc Vinh tại Thôn 1, xã An Nhơn, huyện Đạ Tẻh về trồng hoa cúc vạn thọ của gia đình được thực hiện trong 3 năm trở lại đây. Bước đầu, mô hình nói trên đã cho thu nhập ổn định và mở ra hướng đi mới cho nhiều nông dân trên địa bàn tìm đến học hỏi kinh nghiệm và có thể sản xuất vào thời điểm nông nhàn.
Mô hình thí điểm Trồng cúc vạn thọ của ông Hồ Ngọc Vinh |
Là người con Bình Định xa xôi, năm 1983, ông Vinh đi theo diện kinh tế mới vào vùng đất Đạ Tẻh để ổn định cuộc sống. “Ngày vào đây, mọi thứ còn lạ lẫm nên phần lớn bà con và cả tôi đều làm nông. Gắn bó với nghề lúa nước gần mấy chục năm nay, tôi nhận thấy thời gian nhàn rỗi khá nhiều nên có ý định trồng rau hoặc cây ngắn ngày để tăng nguồn thu nhập trong gia đình. Năm 2020, tôi bắt đầu trồng cúc vạn thọ để phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán”, ông Vinh cho hay.
Để có được một chậu cúc vạn thọ chất lượng, theo ông Vinh có thể chọn 2 giống chủ yếu là vạn thọ lùn và vạn thọ cao. Cúc vạn thọ lùn có thể trồng quanh năm, dễ thích nghi, cây cao 40 - 45 cm, thời gian từ khi gieo hạt đến lúc nở hoa hoàn toàn là 60 - 65 ngày; vạn thọ cao rất thích hợp trong dịp Tết Nguyên đán, có thể trồng quanh năm, cây cao 65 - 70 cm, thời gian từ lúc gieo đến nở hoa hoàn toàn là 65 - 70 ngày.
Chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, ông Vinh nói rằng, đối với đất gieo hạt phải tơi xốp, thoát nước nhanh và để rễ phát triển tốt, đất phải sạch để tránh gây bệnh cho cây con. Có thể dùng túi nilon hay bầu giấy với kích thước bầu 6 cm x 8 cm, bầu được đặt cách mặt đất 20 - 25 cm. Giàn đỡ bầu phải có kẽ hở để thoát nước tốt. Sau khi chuẩn bị bầu xong, cho gieo hạt vào bầu và tưới nước cho ẩm, sau 3 - 5 ngày hạt sẽ nảy mầm. Giai đoạn này cần che nắng cho cây con và đến 5 ngày thì bắt đầu nhấc giàn che cho cây con phát triển. Sau 10 ngày thì nhấc giàn che hoàn toàn để cây phát triển tốt. Trong giai đoạn này, cần chú ý khi tưới cần tưới nhẹ, hạt nước nhỏ tránh làm xây xát cây con. Khoảng 15 - 17 ngày sau gieo thì cấy cây con ra giỏ, đối với vạn thọ lùn thì giỏ trồng có đường kính 20 - 25 cm, vạn thọ cao thì giỏ trồng có đường kính 25 - 30 cm. Tiến hành trồng cây con vào giỏ, cần lấp đất tới cặp lá mầm và trồng vào buổi chiều mát.
Thường mô hình nói trên được ông Vinh xuống giống vào tháng 10 âm lịch và cho thu sau đó 2 tháng, trúng dịp Tết Nguyên đán. Năm đầu tiên trồng, ông Vinh chỉ trồng thí nghiệm 250 chậu cúc vạn thọ để rút kinh nghiệm trồng và chăm sóc cho cây đạt chất lượng cao. Sau những lần trồng, số lượng được tăng dần qua các năm. Tết 2023, gia đình ông Vinh đầu tư, chăm sóc hơn 400 chậu cây và giá bán tại vườn là 30.000 đồng/chậu, bán lẻ là 35.000 đồng/chậu.
“Trồng cúc vạn thọ không khó nhưng cũng không dễ. Không khó ở đây là do chi phí đầu tư không cần quá cao, tuy nhiên, cây cần phải chăm sóc và chú ý thường xuyên vì dễ bị nhiễm bệnh và chết. Ngoài việc được địa phương hỗ trợ để trồng mô hình điểm, tôi cũng thường xuyên được cán bộ Trung tâm Nông nghiệp huyện, Hội Nông dân và khuyến nông xã truyền đạt kinh nghiệm, cách chăm, trồng cúc vạn thọ đạt hiệu quả cao và không bị nhiễm bệnh”, ông Vinh nói.
Theo đánh giá của chính quyền địa phương xã An Nhơn, đối với mô hình trồng cúc vạn thọ của ông Vinh, do đang là mô hình điểm tại nông hộ nên chưa được nhân rộng việc trồng hoa phục vụ Tết Nguyên đán. Mô hình chưa có quy mô, diện tích sản xuất còn hạn hẹp, manh mún, nhỏ lẻ chưa thể đánh giá được hết các mặt như sự đa dạng của các chủng loại hoa. Hiện, sản xuất hoa của nông hộ được biết qua kinh nghiệm truyền thống và học hỏi từ các trang mạng nên chưa có áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật, trồng hoa theo hướng công nghệ sản xuất hoa.
Ông Bùi Trung Văn - Phó Chủ tịch UBND xã An Nhơn cho biết: Mô hình trồng cúc vạn thọ của gia đình ông Vinh được địa phương chọn làm thí điểm tại địa bàn với mức kinh phí thực hiện hơn 35 triệu đồng; trong đó, Nhà nước hỗ trợ 70% kinh phí thực hiện là hơn 23 triệu đồng và hộ dân đối ứng 30% kinh phí thực hiện hơn 10 triệu đồng. Trên thực tế, mô hình này phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, điều kiện kinh tế và làm cơ sở nhân rộng, phát triển và chuyển đổi cây trồng trên những diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả cũng như chuyển đổi cơ cấu mùa vụ trong địa phương. Đây cũng là mô hình góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng tăng nhanh giá trị sản xuất, ổn định, hướng đến toàn diện, bền vững.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin