(LĐ online) - UBND huyện Đam Rông vừa có báo cáo rà soát, đánh giá việc thực hiện các dự án đầu tư liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Đam Rông.
Hiện trường 1 vụ cưa hạ rừng thông tại Đam Rông năm 2022 |
Theo báo cáo, có 9 doanh nghiệp để lấn chiếm gần 440 ha đất lâm nghiệp; trong đó, Công ty cổ phần Ngân Lâm và Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai xảy ra lấn chiếm nhiều nhất với hơn 130 ha/doanh nghiệp.
Trên địa bàn huyện Đam Rông hiện có 15 dự án thuê đất, thuê rừng với tổng diện tích gần 2.900 ha. Trong đó, 9 dự án trồng rừng kinh tế hoặc trồng rừng kết hợp chăn nuôi gia súc với 1.860 ha, 2 dự án được phép cải tạo trồng cao su, trồng rừng kinh tế với 553 ha, 1 dự án du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng 100 ha, 3 dự án nuôi cá nước lạnh với 323 ha.
Theo UBND huyện Đam Rông, tình hình quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp của các dự án nuôi cá nước lạnh, du lịch sinh thái trên địa bàn huyện tương đối tốt.
Còn đối với các dự án có diện tích được phép cải tạo trồng rừng kinh tế, sau khi khai hoang xong, một số doanh nghiệp không thực hiện ngay việc trồng rừng hoặc đã trồng rừng nhưng không chăm sóc. Một phần do không bố trí người quản lý thường xuyên nên để xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm trái phép đất lâm nghiệp.
Qua kiểm tra, tổng diện tích đất lầm nghiệp bị lấn chiếm là 438,5 ha xảy ra tại 9 doanh nghiệp: Công ty Cổ phần Ngân Lâm hơn 131 ha, Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai hơn 130 ha, Công ty TNHH Đại Nguyên hơn 70 ha, Công ty TNHH TM Tín Dũng hơn 46 ha, Công ty TNHH Thiên Đức hơn 15 ha, Công ty Cổ phần Dó Bầu Hương Quảng Nam hơn 20 ha, Công ty TNHH Quý Thanh Lộc Phát hơn 12 ha, Công ty TNHH SX-TM Việt Thổ hơn 10 ha, DNTN khách sạn Thiên Lý hơn 3 ha.
UBND huyện Đam Rông kiến nghị UBND tỉnh xem xét thu hồi toàn bộ 3 dự án của Công ty TNHH Tín Dũng, Công ty TNHH Quý Thanh Lộc Phát, Công ty TNHH Toản Thắng với lý do triển khai chậm tiến độ, vi phạm Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai, Luật Đầu tư.
Ngoài ra, Công ty TNHH Tín Dũng còn chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, Công ty TNHH Toản Thắng chưa làm tốt công tác phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản và Công ty TNHH Quý Thanh Lộc Phát chưa khắc phục xong những tồn tại mà UBND tỉnh đã chỉ ra.
Đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không lập thủ tục thuê rừng đối với Công ty TNHH Việt Thổ và yêu cầu doanh nghiệp tự quản lý bảo vệ diện tích rừng còn lại, hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu tiếp tục để mất rừng.
Lãnh đạo huyện còn kiến nghị UBND tỉnh xem xét thu hồi một phần diện tích của Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ Hợp Phát vì triển khai đầu tư chậm tiến độ 120 tháng, vi phạm Luật Đất đai và Luật Đầu tư.
Đối với những doanh nghiệp còn lại, UBND huyện đề nghị triển khai hạng mục các hạng mục đầu tư theo đúng giấy phép, tăng cường quản lý đất rừng được thuê, làm hồ sơ xin điều chỉnh giảm diện tích thuê cho phù hợp với diện tích thực tế và lập thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin