Một khu vườn sản xuất hoa lily nhưng luôn duy trì “xanh, sạch, đẹp” trong nhiều năm nay với những tiêu chuẩn về an toàn nông nghiệp được đưa lên hàng đầu.
Một điểm xử lý hóa chất bảo vệ thực vật an toàn với môi trường trong vườn ông Nguyễn Hữu Trí |
Rộng khoảng 7 ha, theo địa thế bậc thang, vườn chuyên canh lily của ông Nguyễn Hữu Trí nằm tại Tổ 4, thôn Đa Quý, xã Xuân Thọ, một xã vùng ven TP Đà Lạt.
Đưa chúng tôi đi thăm vườn, ông Nguyễn Văn Tâm, người quản lý vườn của ông Nguyễn Hữu Trí, chỉ cho chúng tôi những “góc xanh” nằm rải rác trong vườn. “Đây là những chỗ có địa thế hẹp, bờ rào, bờ taluy, các góc đất đầu thừa đuôi thẹo, những chỗ không sản xuất được chúng tôi đều trồng hoa, cỏ, tạo ra những điểm nhấn “xanh, sạch, đẹp”. Chúng tôi cũng dành chừng 3.000 m2 để trồng hoa, trồng cây xanh, cây cảnh, tạo mỹ quan để vườn như là một địa điểm “checkin” về nông nghiệp tại địa phương cho mọi người có thể viếng thăm miễn phí ” - ông Tâm nói.
Là người Bình Dương, gia đình ông Trí chuyên kinh doanh hoa tại TP Hồ Chí Minh. Để chủ động nguồn hoa trong kinh doanh, ông Trí đã lên Đà Lạt mua đất tại đây để đầu tư trồng hoa. Ban đầu, diện tích trồng hoa của ông chỉ vài ha, sau đó mở rộng dần và hiện nay là một địa chỉ chuyên canh hoa lily lớn của Đà Lạt.
Nhưng không chỉ chuyên canh hoa lily, tại đây, ông Trí còn trồng thêm một số loại hoa khác khi cần và trồng nhiều loại lá dành cho trang trí cắm hoa. Lợi nhuận của khu vườn này trong những năm gần đây theo ông Trí, sau khi trừ đi tất cả chi phí, khoảng 4 tỷ đồng/năm. “Những năm trước đây thu nhập khá ổn định, trong thời gian xảy ra dịch COVID-19 thì việc trồng trọt làm ăn buôn bán có khó khăn nhưng gần đây đã trở lại bình thường” - ông Trí nói.
Để canh tác và chăm sóc diện tích hoa này quanh năm, ông Trí có 35 người làm việc thường xuyên, với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/tháng/người. Cùng đó, vườn ông cũng tạo việc làm cho hơn 50 lao động thời vụ vào những đợt xuống giống và thu hoạch hoa. Ông Trí còn liên kết và hỗ trợ tiêu thụ hoa cho rất nhiều gia đình canh tác hoa trong vùng với hàng trăm nghìn cành hoa các loại. “Chúng tôi có quầy hoa tại chợ đầu mối hoa Hồ Thị Kỷ cung cấp hoa cho nhiều thương lái nên đầu ra rất ổn định. Mỗi năm trước đây, trung bình vườn tôi trồng chừng 4 triệu cành ly, năm nay cũng trồng khoảng 3,5 triệu cành” - ông Trí cho biết.
Trong năm 2022, khi Hội Nông dân TP Đà Lạt phát động xây dựng Mô hình “Khu vườn xanh, sạch, đẹp, an toàn” trong toàn thành phố, ông Trí là một trong những người đăng ký tham gia ngay từ đầu.
“Tôi tham gia mô hình này bởi vì những tiêu chí mà Hội Nông dân thành phố đưa ra như việc thu gom phân loại rác thải nông nghiệp, trồng hoa, trồng cây xanh làm đẹp cảnh quan, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trong quá trình sản xuất... đều chính là những điều mà gia đình tôi đã theo đuổi và thực hiện trong nhiều năm nay” - ông cho biết.
Cụ thể, tại đây, như ông Tâm, người quản lý vườn cho biết, đã duy trì việc phân loại và xử lý rác thải tại vườn nhiều năm nay. Rác thải sinh hoạt từ các nhà người làm ở đây được tách riêng để chuyển cho các đơn vị chức năng thành phố thu gom và xử lý; rác thải hữu cơ nông nghiệp của vườn thải ra trong quá trình sản xuất, số cành hoa, lá hoa thải bỏ trong quá trình cắt cành… được vườn thu gom lại cẩn thận để xử lý riêng.
“Lượng rác thải hữu cơ này trong quá trình sản xuất cũng khá lớn, trung bình mỗi tháng chừng 15-20 tấn, trước đây, chúng tôi chôn lấp trong vườn nhưng nay vườn đang thu gom và xử lý thành phân vi sinh để sử dụng trở lại, tiết kiệm rất nhiều chi phí và cũng đảm bảo vệ sinh môi trường” - ông Tâm nói .
Để khu vườn “an toàn”, theo ông Tâm, trong nhiều năm nay, vườn chỉ sử dụng phân bón và hóa chất bảo vệ thực vật trong danh mục được cho phép; kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên hoa lá; cho thu gom bao bì và bao gói hóa chất bảo vệ thực vật lưu trữ đúng nơi và chuyển giao cho đơn vị chức năng xử lý theo quy định. Những người làm việc trong vườn đều được trang bị đồ bảo hộ lao động cẩn thận.
Trong vườn, các căn nhà dành cho người lao động được xây dựng nằm xen kẽ trong khu sản xuất với rất nhiều hoa lá, cây xanh, cây ăn trái bao quanh. Dù là vườn sản xuất nhưng hầu như không nghe mùi phân, mùi hóa chất bảo vệ thực vật. Quanh vườn, ông Trí còn cho trồng hoa anh đào, đến nay, dọc theo các con đường ven vườn ông Trí đã cho trồng khoảng 50-70 cây anh đào, tất cả đều phát triển tốt, phần lớn đều đã ra hoa trong dịp năm mới.
Đặc biệt, không chỉ là một nông dân sản xuất giỏi của tỉnh Lâm Đồng, ông Trí trong nhiều năm nay còn tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương như đóng góp làm đường giao thông nông thôn, đóng góp xây dựng các công trình công cộng, làm nhà tình thương, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn.
Như trong năm 2022, ông Trí đã hỗ trợ Hội Nông dân các cấp của tỉnh xây dựng 4 căn nhà tình thương, mỗi căn nhà như thế ông hỗ trợ 60 triệu đồng. Ông cũng đóng góp 300 triệu đồng để làm đường giao thông trong khu vực thôn Đa Quý.
“Thật ra các tiêu chí xây dựng “Khu vườn xanh, sạch, đẹp, an toàn” do Hội Nông dân Đà Lạt phát động rất đơn giản, dễ nhớ, dễ thực hiện, mọi bà con nông dân đều có thể hưởng ứng, tham gia” - ông Trí suy nghĩ.
“Trong dịp Festival Hoa Đà Lạt vừa rồi, rất vui khi vườn nhà tôi có khá nhiều khách đến tham quan. Nếu xã, thành phố, Hội Nông dân các cấp có khách cứ đưa đến tham quan miễn phí. Tôi luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với bà con chung quanh để chúng ta cùng xây dựng môi trường sản xuất nông nghiệp Đà Lạt an toàn và xanh, sạch, đẹp” - ông nói thêm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin