Di Linh: Diện tích dâu tằm tăng hơn 173%

ĐÔNG ANH 00:30, 05/04/2023

Tính đến cuối năm 2022, diện tích dâu toàn huyện Di Linh là 710 ha; trong đó, có 700 ha đã cho thu hoạch. Diện tích này tăng 173,1% so với năm 2018 (260 ha). Cùng với đó, sản lượng lá dâu năm 2022 ước đạt 21.968 tấn (năm 2018 là 6.485 tấn, tăng 238,8%). Số hộ nuôi tằm cũng ngày càng tăng, ngoài các địa phương có truyền thống nuôi tằm như: Gia Hiệp, Đinh Lạc, Tân Nghĩa, đã mở rộng thêm các xã: Tam Bố, Tân Lâm, Tân Châu, Hòa Bắc, Đinh Trang Thượng, Sơn Điền. 

Đây là kết quả của việc thực hiện Đề án Phát triển bền vững ngành Dâu tằm tơ trên địa bàn huyện Di Linh giai đoạn 2019 - 2023. Trong giai đoạn này, tổng kinh phí mà huyện phân bổ để phát triển ngành Dâu tằm tơ là 870 triệu đồng. Nguồn kinh phí này để hỗ trợ trực tiếp cho những hộ có diện tích chuyển đổi trồng mới bằng các giống dâu năng suất, chất lượng cao; hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa trồng dâu, nuôi tằm. Từ đó, kịp thời động viên nông dân tăng cường duy trì, phát triển diện tích trồng dâu, kết hợp nuôi tằm, cải thiện hiệu quả kinh tế và góp phần đảm bảo sinh kế cho các hộ dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện.

Trên địa bàn huyện hiện nay có 13 cơ sở thu mua kén tằm, hàng năm, thu mua trên 580 tấn kén. Người dân ngoài việc bán kén tại các cơ sở thu mua trên địa bàn huyện, còn tiêu thụ tại TP Bảo Lộc, huyện Lâm Hà. Hiện nay, trên địa bàn huyện có Công ty TNHH Ươm tơ Lê Sáu (xã Đinh Lạc) thu mua kén tằm, sản xuất tơ để xuất đi tiêu thụ ở nhiều thị trường trong nước và nước ngoài (Nhật Bản).

Trong thời gian tới, huyện Di Linh phấn đấu phát triển diện tích dâu tằm toàn huyện đạt 950 ha. Nhà nước hỗ trợ sau đầu tư diện tích trồng dâu năng suất, chất lượng cao với tổng diện tích hỗ trợ 100 ha. Đồng thời, xây dựng mới cơ sở nuôi tằm con tập trung công nghệ cao; xây dựng mô hình tự động, cơ giới hóa trồng dâu nuôi tằm…