10 năm qua, việc triển khai thực hiện Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công và Chương trình Khuyến công của tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2013-2023 trên địa bàn huyện Đức Trọng, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất tham gia đầu tư vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Sản phẩm của Công ty TNHH Cordyceps - là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được huyện Đức Trọng công nhận năm 2022 |
Theo đánh giá, trong những năm qua, ngành Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Đức Trọng phát triển khá mạnh; tiếp tục triển khai các hoạt động khuyến công, giải quyết các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; tập trung phát triển các ngành Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có lợi thế gắn với nguồn nguyên liệu tại địa phương. Đồng thời, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ - kỹ thuật cao, từng bước hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, chuyên canh phục vụ phát triển công nghiệp chế biến, qua đó, góp phần tăng giá trị sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giá trị hàng xuất khẩu tại địa phương.
Việc triển khai chương trình khuyến công qua các năm đã hỗ trợ một phần cho các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Đức Trọng xây dựng được các mô hình trình diễn kỹ thuật, hiện đại hóa thiết bị, xây dựng nhà xưởng, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng giá trị sản phẩm và có sức cạnh tranh mạnh trên thị trường. Bên cạnh đó, các đề án giải quyết được việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương, mang lại lợi ích kinh tế gắn với lợi ích xã hội.
Trong giai đoạn 2013-2023, huyện Đức Trọng đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp - Sở Công thương, triển khai được hơn 50 đề án khuyến công, với tổng kinh phí 18 tỷ đồng, bao gồm: hỗ trợ kinh phí để đào tạo việc làm tay nghề tại làng nghề truyền thống, hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị, xây dựng nhà xưởng cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu…
Nguồn kinh phí hỗ trợ cho hoạt động khảo sát, tư vấn khuyến công trực tiếp, đôn đốc, giám sát thực hiện các đề án khuyến công, phối hợp thu hồi kinh phí khuyến công hỗ trợ có thu hồi giai đoạn 2013-2023 là 120 triệu đồng đã được cấp về cho Phòng Kinh tế và Hạ tầng để triển khai thực hiện. UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng phối hợp với trung tâm để đề xuất, khảo sát và hướng dẫn các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn xây dựng đề án, phối hợp thu hồi các nguồn vốn hỗ trợ có thu hồi. Đến thời điểm hiện tại, các nguồn vốn hỗ trợ có thu hồi đã được phối hợp thu hồi hết và một số đang tiếp tục thu hồi vốn theo quy định.
Từ năm 2015 đến năm 2023, cứ hai năm một lần, huyện Đức Trọng đã tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện, trong đó, năm 2023 đang triển khai thực hiện. Kết quả, sau 4 lần tổ chức, đã thu nhận tổng số sản phẩm tham gia là 52 sản phẩm dự thi. UBND huyện Đức Trọng đã ban hành các quyết định công nhận và cấp Giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cho 42 sản phẩm và đề xuất 42 sản phẩm đạt bình chọn cấp huyện tham dự bình chọn cấp tỉnh. Một số cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn huyện qua tham gia bình chọn cấp huyện, cấp tỉnh đã phát triển mở rộng sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường trong nước và nước ngoài nhờ được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, thương hiệu cơ sở ngày càng phát triển, nâng cao uy tín trên thị trường...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số hạn chế như: công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn về chương trình khuyến công mặc dù được thực hiện tích cực, sâu rộng, tuy nhiên, số lượng cơ sở sản xuất chế biến sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được hỗ trợ kinh phí khuyến công còn hạn chế do các nguyên nhân khách quan và chủ quan như: dự án không thể triển khai đúng kế hoạch, đúng thời gian, hoặc do bị chậm thủ tục hồ sơ trong quá trình thực hiện. Một số cơ sở nhỏ có nhu cầu đầu tư máy móc thiết bị có giá trị thấp thì tỷ lệ giới hạn kinh phí được hỗ trợ không nhiều, khó tiếp cận được với nguồn kinh phí khuyến công. Đối tượng có nhu cầu hỗ trợ là hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh gặp vướng mắc trong công tác thẩm định, đánh giá hỗ trợ vốn vì ít có khả năng nộp đủ hồ sơ chứng từ hoặc khó khăn trong công tác thu hồi kinh phí hàng năm. Ngoài ra, một số cơ sở công nghiệp nông thôn sản xuất, chế tạo sản phẩm có khả năng tham gia bình chọn nhưng không quan tâm, không nhiệt tình tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin