Lâm Đồng hướng đến nền nông nghiệp xanh, hiện đại

CHÍNH THÀNH 06:11, 13/04/2023

Lâm Đồng là tỉnh tiên phong trong cả nước về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đang chú trọng vào nền nông nghiệp xanh, hữu cơ. Những năm qua, tỉnh đã có những dấu ấn quan trọng trong sản xuất, thúc đẩy ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trở thành ngành kinh tế chủ lực.

Sản xuất hoa công nghệ cao tại Công ty Dalat Hasfarm
Sản xuất hoa công nghệ cao tại Công ty Dalat Hasfarm

Trong buổi làm việc với đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dẫn đầu mới đây, đồng chí Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, qua nhiều nhiệm kỳ, Lâm Đồng đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp với mục tiêu chung “Phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại”, đồng thời, có những mục tiêu hướng tới nền nông nghiệp xanh đang là xu thế tất yếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Để hiện thực hóa các mục tiêu của ngành Nông nghiệp, Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã ban hành Nghị quyết: “Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, trọng tâm là cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, hướng đến ngành Nông nghiệp phát triển toàn diện và hiện đại; là trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh tầm quốc gia và quốc tế”. Và gần đây nhất là quyết định ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TU ngày 27/10/2022 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển ngành Nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp, liên quan vấn đề nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hiện nay, mô hình phát triển cây trồng trong nhà lưới, nhà kính mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương nhưng cũng có những tác động tiêu cực đến cảnh quan, môi trường. Do đó, UBND tỉnh đã xây dựng đề án để giảm nhà kính, nhà lưới mỗi năm khoảng 10%.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, trong những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng luôn duy trì mức tăng trưởng khá, ngành Nông nghiệp đóng vai trò là trụ đỡ nền kinh tế (năm 2022, tăng trưởng 5,02%, đạt 19,9 nghìn tỷ đồng; chiếm tỷ trọng khoảng 38,62% cơ cấu kinh tế); cơ cấu ngành Nông nghiệp: trồng trọt chiếm 82%, chăn nuôi chiếm 15,9% và dịch vụ chiếm 2,1%.

Đặc biệt, trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thế mạnh của địa phương tiếp tục có sự phát triển vượt bậc cả về chiều rộng, lẫn chiều sâu với hơn 65.308 ha, chiếm 21,8% diện tích đất canh tác, giá trị sản xuất bình quân đạt 234,4 triệu đồng/ha/năm. Đã hình thành, công nhận được 8 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 14 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Có 1.336 ha trồng trọt được cấp giấy chứng nhận hữu cơ; 1.045 con bò sữa đạt chứng nhận hữu cơ, với sản lượng khoảng 5.200 tấn sữa.

Kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất tiếp tục phát triển cả về số lượng, chất lượng và từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 4 liên hiệp hợp tác xã và 392 hợp tác xã nông nghiệp với 8.657 thành viên, doanh thu bình quân đạt trên 2,2 tỷ đồng/năm, thu nhập lao động bình quân đạt 72 - 75 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hợp tác xã hoạt động khá tốt, ước đạt 45%.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, Lâm Đồng là địa phương có nền nông nghiệp công nghệ cao tiên phong của cả nước nên quá trình phát triển trong tương lai cần có tầm nhìn tích hợp, đa giá trị. Đó là tư duy tích hợp trong nông nghiệp và du lịch nông nghiệp. Đưa các dịch vụ về nông thôn, phổ biến đến nông dân để hồi sinh sức sống cộng đồng, kích hoạt đời sống cộng đồng, làng nghề, tạo ra những sản phẩm có giá trị.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Lâm Đồng được kỳ vọng là trung tâm đổi mới, sáng tạo và kết hợp thương mại, dịch vụ ngành hàng hoa. Địa phương phải phấn đấu để trở thành nơi bảo trợ cho những ý tưởng sáng tạo trong nông nghiệp. Đặc biệt là tổ chức lại hệ sinh thái ngành hàng theo phương thức Nhà nước - thị trường - xã hội một cách hài hòa.