Lúa thơm trên đồng K’Ming

DIỆP QUỲNH 05:50, 06/04/2023

K’Ming tháng Tư, những cây lúa đang thì chuẩn bị trổ cờ phảng phất hương thơm của lá. Di Linh bắt đầu mùa mưa với những hạt nước đầu mùa mát rượi, mang lại sức sống cho những cánh đồng lúa mênh mông.

Chị Ka Dậu thăm đồng lúa Ke B’Làng
Chị Ka Dậu thăm đồng lúa Ke B’Làng

Đưa khách đi thăm cánh đồng Ke B’Làng, cánh đồng lúa nước lớn nhất tổ dân phố K’Ming, thị trấn Di Linh, huyện Di Linh, Bí thư Chi bộ tổ dân phố, ông Dong Dor Sinh say sưa kể lại chuyện cây lúa nước của người K’Ho Srê. Ông bảo, cánh đồng Ke B’Làng ngay chân núi, sát trại phong Di Linh vốn là cánh đồng chuyên canh lúa nước lớn nhất của người K’Ming. Từ đời cha mẹ hồi xưa, người K’Ming đã trồng lúa nước ở đây. Nhưng hồi xưa không có thủy lợi, người K’Ming trồng lúa một vụ, trông vào nước trên trời rơi xuống. Cây lúa được gieo rồi phó mặc cho trời đất, tới mùa còn được bao nhiêu hạt thóc, người K’Ming gặt về. Bởi vậy, người K’Ming còn rất nghèo và vất vả, nhiều lúc thiếu ăn, bếp không đỏ lửa những ngày giáp hạt. Cả 3 cánh đồng lúa lớn nhất của người K’Ming đều chỉ trồng lúa một vụ, thời gian còn lại để đất hoang vì không có nước tưới. 

“Giờ khác rồi, trồng lúa giống cao sản, cán bộ kỹ thuật về chỉ dạy, rồi có trạm bơm, có phân bón, người K’Ming giờ trồng lúa năng suất cao lắm rồi”, ông Dong Dor Sinh hồ hởi khoe. Ông cho biết, toàn tổ dân phố K’Ming có 473 hộ thì có 170 ha chuyên trồng lúa nước. Tuy nhiên, vì còn một số diện tích thiếu nước do xa mương thủy lợi nên vào vụ Đông Xuân, người K’Ming trồng được 90 ha. Ông Dong Dor Sinh cho hay, khi xưa, người K’Ming chỉ trồng lúa một vụ. Sau này, Nhà nước đầu tư hai trạm bơm, trạm bơm khu Chợ Mới và trạm bơm trại phong nên bà con mới có thêm 90 ha lúa vụ Đông Xuân. Giờ, người K’Ming trồng lúa hoàn toàn cơ giới hóa, từ gieo sạ, bỏ phân, bỏ thuốc, tới mùa thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp. Phân bón lại rất dồi dào, bà con đã quen với việc cho lúa “ăn” phân, bơm thuốc đúng hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp. Vụ Hè Thu 2022 vừa qua, bà con trồng lúa có năng suất trung bình 5,5 tấn/ha, một năng suất khá cao cho đồng đất Di Linh. 

Chị Ka Dậu, nông dân tổ dân phố K’Ming cho biết, nhà chị có 2 sào lúa nước trên cánh đồng Ke B’Làng. Chỉ có 2 sào nhưng nhờ đủ nước tưới 2 vụ, lại áp dụng kỹ thuật cao nên gia đình thu xấp xỉ 3 tấn thóc/năm, gia đình chỉ ăn hết hơn 1 tấn, còn lại phơi khô, đóng bao cất. Khi nào cần tiền, gia đình có việc, chị mới mang thóc ra bán. Vụ Hè Thu 2022, ngành Nông nghiệp khuyến khích, hỗ trợ chị trồng lúa đặc sản ST 25. Đủ nước tưới, lúa lớn nhanh, năng suất tốt. Chị Ka Dậu cho hay: “Trồng lúa ST 25 năng suất cũng bằng lúa OM 4900 nhưng hạt cơm rất ngon, mềm, dẻo, thơm, bán cũng được giá hơn nhiều. Vụ này ít nước, không trồng được lúa ST 25 nhưng vụ tới, nhà tôi sẽ trồng lại lúa ST 25 để có cơm ngon ăn và lúa giá cao bán”. Theo đúng khuyến cáo của cán bộ nông nghiệp, chị Ka Dậu thường xuyên thăm đồng, xem xét tình hình sâu bệnh, sức phát triển của cây lúa cũng như nhổ bỏ những cây cỏ dại còn sót lại trong ruộng lúa. 

Chị Lê Thị Thêm, khuyến nông viên thị trấn Di Linh cho biết, tổ dân phố K’Ming là vựa lúa của thị trấn, với những cánh đồng lúa nước truyền thống của bà con K’Ho. Ngành Nông nghiệp thường xuyên chuyển giao các kỹ thuật canh tác lúa hiện đại, cơ giới hóa cũng như triển khai các giống lúa mới năng suất cao, chất lượng tốt cho bà con. Vụ Hè Thu 2022, ngành Nông nghiệp Di Linh hỗ trợ nông dân toàn huyện trồng thử nghiệm 60 ha lúa ST 25, riêng tổ dân phố K’Ming được hỗ trợ trên 20 ha. Và kết quả cho thấy lúa ST 25 phù hợp với thổ nhưỡng cũng như trình độ canh tác của bà con. Cây lúa phát triển tốt, năng suất khá, đạt mức 5,5 tấn/ha/vụ. Diện tích lúa nước chính là cái nôi đảm bảo an ninh lương thực cho bà con K’Ming nói riêng và Di Linh nói chung, giúp bà con luôn đầy đủ lương thực, không còn cảnh đói khi giáp hạt. Ngành Nông nghiệp cũng tích cực hỗ trợ người nông dân chuyển đổi sang các giống lúa chất lượng cao như ST 25, giúp bà con nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích đất, giúp người K’Ming ngày thêm gắn bó và khá giả hơn từ chính những mảnh ruộng lúa nước được truyền lại từ ông bà, cha mẹ cho tới thế hệ hôm nay và tương lai.