Nâng giá trị cà phê Việt

NAM VIÊN 12:27, 30/04/2023

Mặc dù đứng thứ hai thế giới về sản lượng, nhưng cà phê Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu thô nên giá trị mang lại chưa cao. Chính vì vậy, để nâng cao giá trị thì việc phát triển cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản gắn với chế biến và xuất khẩu là hướng đi mà ngành cà phê đang hướng tới.

Rolan - cô gái KHo ở huyện Lạc Dương là một trong những người tiên phong phát triển cà phê đặc sản
Rolan - cô gái K'Ho ở huyện Lạc Dương là một trong những người tiên phong phát triển cà phê đặc sản

PHÁT TRIỂN CÀ PHÊ CHẤT LƯỢNG CAO, CÀ PHÊ ĐẶC SẢN
Theo thống kê sơ bộ, diện tích cà phê năm 2022 của Việt Nam đạt khoảng 710.000 ha, năng suất đạt 28,2 tạ/ha, sản lượng hơn 1,84 triệu tấn. Trong đó, 5 tỉnh Tây Nguyên chiếm 91,2% về diện tích và 93,2% về sản lượng cà phê cả nước. Trong 5 tỉnh Tây Nguyên, Đắk Lắk và Lâm Đồng có diện tích, sản lượng cà phê lớn nhất và Lâm Đồng là tỉnh sản xuất cà phê cho năng suất cao nhất là 33,1 tạ/ha, cao hơn 17,1% so với trung bình năng suất của 5 tỉnh Tây Nguyên, cũng như cả nước.
Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để nâng cao chất lượng cà phê, thời gian qua, các địa phương đã đưa vào sản xuất một số giống cà phê chất lượng cao. Trong đó, tại Lâm Đồng, giống cà phê Robusta chủ yếu là các dòng cao sản, cho năng suất cao, chất lượng tốt như TR4, TR9, TR11, TRS1… Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng đã công nhận một số giống cà phê do người dân chọn lọc cho năng suất cao, chất lượng tốt như: Thiện Trường, Xanh lùn, Hữu Thiên. Về cà phê Arabica thì giống Catimor chiếm đến 97% diện tích.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các địa phương đã ban hành các quy trình kỹ thuật về canh tác, tái canh, chế biến, đồng thời, hướng dẫn các địa phương áp dụng theo các tiêu chuẩn chứng nhận. Đối với cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản, áp dụng quy trình chăm sóc theo các tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP, 4C, RA, Organic... Các địa phương cũng khuyến cáo chỉ thu hái quả chín và thu hái đúng kỹ thuật; đồng thời sơ chế, đóng gói áp dụng theo tiêu chuẩn HACCP.
Thống kê sơ bộ của các địa phương, đến năm 2022, diện tích cà phê có chứng nhận đạt 185.800 ha. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng có hơn 46.700 ha, cho sản lượng trên 244.000 tấn. Cụ thể, diện tích chứng nhận 4C là hơn 35.100 ha, chiếm 20% diện tích cà phê toàn tỉnh; diện tích chứng nhận RA đạt 12.300 ha, chiếm 7% diện tích cà phê toàn tỉnh; diện tích cà phê hữu cơ 205 ha; diện tích cà phê VietGAP 15 ha.
Một số tỉnh cũng đã hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ cà phê chất lượng cao. Trong đó, nổi bật là tỉnh Lâm Đồng với 20 chuỗi với hơn 9.200 hộ liên kết, diện tích 16.700 ha, sản lượng thu mua đạt khoảng 60.000 tấn. Ngoài ra, hiện nay, một số doanh nghiệp đang đầu tư thiết bị công nghệ để sản xuất cà phê hòa tan nhằm đem lại giá trị cao, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Theo Đề án Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, đến năm 2030 Việt Nam sẽ phát triển 19.000 ha cà phê đặc sản, sản lượng khoảng 11.000 tấn. Cùng với đó, xây dựng thương hiệu cà phê đặc sản Việt Nam để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường nội địa và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, góp phần phát triển cà phê Việt Nam.
Tuy nhiên, đó chỉ là định hướng chung, tùy điều kiện thực tế, mỗi địa phương có những định hướng phát triển cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản khác nhau. Riêng đối với Lâm Đồng, đến năm 2030 diện tích cà phê duy trì khoảng 165.000 ha, trong đó cà phê Catimor 20.000 ha, cà phê Robusta 145.000 ha. Tỉnh cũng mở rộng diện tích các vùng sản xuất cà phê đặc sản lên khoảng 5.040 ha và sản lượng ước đạt 3.070 tấn.

Thu hái cà phê chín góp phần nâng cao chất lượng cà phê
Thu hái cà phê chín góp phần nâng cao chất lượng cà phê

CẦN NHIỀU GIẢI PHÁP
Tại hội thảo “Xây dựng ngành hàng cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức vào tháng 3 vừa qua, đại diện các bộ, ngành, hiệp hội, viện nghiên cứu, doanh nghiệp… đã nêu ra nhiều giải pháp để phát triển cà phê đặc sản nói riêng và cà phê chất lượng cao nói chung.
Ông Lê Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, Bộ cần hỗ trợ các chương trình cho các tỉnh về tập huấn kỹ thuật, giống, mô hình trồng mới, các ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm vật tư đầu vào và phát thải cho người sản xuất, truy xuất nguồn gốc. Xây dựng chương trình, dự án khảo nghiệm để lựa chọn ra các giống cà phê mới phù hợp với yêu cầu sinh thái và vượt trội về năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu phục vụ cho tái canh diện tích cà phê già cỗi và trồng mới để nâng cao năng suất, chất lượng cà phê.
Khuyến khích các trang trại, hộ sản xuất thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm hình thành chuỗi liên kết trong đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, thu mua nguyên liệu đầu vào, trao đổi kỹ thuật sản xuất, tiếp cận chuyển giao khoa học - công nghệ và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cà phê.
Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong sản xuất, cải tạo đất để gìn giữ và duy trì tính chất lý hóa của đất; kiểm soát điều kiện đất đai, nguồn nước và các yếu tố khác để bảo vệ vùng trồng cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản. Hỗ trợ công nghệ cơ khí hóa, tự động hóa trong chế biến sâu, bảo quản bảo đảm chất lượng cà phê đặc sản có hương vị đặc trưng riêng, đáp ứng nhu cầu ở các thị trường xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Cụ thể, nâng tỷ lệ cà phê chế biến ướt từ 10% hiện nay lên 30%, tỷ lệ cà phê hòa tan, cà phê rang xay đạt 25% sản lượng.
Còn TS Trịnh Đức Minh - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm hoàn thành bộ tiêu chí “Cà phê Việt Nam chất lượng cao”; triển khai thí điểm việc doanh nghiệp sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Cà phê Việt Nam chất lượng cao”. Tiếp tục chỉ đạo các địa phương triển khai các nội dung theo đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia “Cà phê Việt Nam chất lượng cao”, đặc biệt là quy hoạch vùng cà phê chất lượng cao. Các địa phương cần chủ động mời gọi các doanh nghiệp xây dựng, triển khai các dự án và tiên phong sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Cà phê Việt Nam chất lượng cao”.