(LĐ online) - Chiều 13/4, Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) huyện Đức Trọng tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động 3 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ Quý II/2023.
Bà Phạm Thị Thanh Thúy – Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng BĐD HĐQT NHCSXH huyện, chủ trị hội nghị |
Ngay từ đầu năm, BĐD HĐQT NHCSXH huyện đã bám sát chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, BĐD HĐQT NHCSXH tỉnh và NHCSXH tỉnh để chỉ đạo triển khai các chương trình tín dụng chính sách và thực hiện các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết 11/NQ-CP gắn phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Trong đó, tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên cân đối ngân sách địa phương chuyển 6 tỷ đồng vốn ủy thác qua NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
3 tháng đầu năm, NHCSXH huyện đã hoàn thành khá toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được giao: Thực hiện 111,7% chỉ tiêu huy động vốn, 100% kế hoạch dư nợ giao 2% năm 2023, tỷ lệ thu nợ đến hạn đạt 94,1%, có 1 tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác cấp huyện và 9 xã không có nợ quá hạn; tỷ lệ tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loạt tốt, loại khá chiếm 97,7%. Kết quả đánh giá chất lượng tín dụng chính sách trong năm của 15 xã, thị trấn và của Phòng Giao dịch xếp loại tốt; duy trì hoạt động giao dịch tại điểm giao dịch xã nề nếp, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người, tài sản.
Ngoài ra, NHCSXH huyện đã triển khai các chương trình tín dụng chính sách; trong đó, có các chương trình theo Nghị quyết 11/NQ-CP kịp thời, đúng mùa vụ đã tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đầu tư sản xuất, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã tạo điều kiện cho 50 hộ nghèo, 77 hộ cận nghèo và 39 hộ mới thoát nghèo được vay vốn; tạo việc làm và tăng thêm việc làm cho 246 lao động, giúp cho 658 hộ gia đình tại vùng nông thôn xây dựng công trình nước sạch và nhà vệ sinh hợp chuẩn, tạo điều kiện cho 1 cán bộ công chức vay vốn làm nhà ở theo Nghị định 100/CP, cho vay ưu đãi 1 doanh nghiệp số tiền 1,6 tỷ đồng do thanh niên khởi nghiệp làm chủ theo Quyết định số 1902/QĐ-UBND ngày 18/10/2022 của UBND tỉnh Lâm Đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hội nghị cũng chỉ ra một số vướng mắc, tồn tại như: Tỷ lệ nợ quá hạn tăng cao so với đầu năm 108 triệu đồng; còn 4 đơn vị cấp xã có tỷ lệ nợ quá hạn cao hơn tỷ lệ chung toàn huyện; còn 6 tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại trung bình. Ngoài ra, sự lan tỏa chương trình Tuần gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo chưa cao, chưa duy trì kết quả huy động vốn, đến 31/3/2023 giảm hơn 10 tỷ đồng so với thời điểm kết thúc Tuần lễ huy động tiền gửi chung tay vì người nghèo...
Hội nghị đã dành nhiều thời gian để các đại biểu thảo luận, tìm ra các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra trong thời gian tới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin