Công tác phòng, chống thiên tai, phục hồi sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Lâm Đồng đang được các sở, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục chủ động phối hợp hiệu quả hơn nữa trước diễn biến phức tạp của thời tiết dự báo trong thời gian tới.
Tưới tiết kiệm là một trong những giải pháp ứng phó hạn hán hiệu quả trên địa bàn Lâm Đồng |
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Lâm Đồng, trong những năm gần đây, hạn hán và sương muối có tần suất xuất hiện ít nhất, nhưng thường gây ra thiệt hại diện rộng trên địa bàn. Do đó, vào đầu mỗi vụ Đông Xuân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đều hướng dẫn các địa phương điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp. Cụ thể, cây lúa ở vùng có nguy cơ thiếu nước cần điều chỉnh sản xuất 3 vụ sang 2 vụ hoặc chuyển đổi sang cây trồng cạn. Cây rau, màu ngắn ngày tập trung sản xuất tận dụng nguồn nước tưới. Cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả, khuyến cáo sử dụng các nguồn nước hiện có, đồng thời, tăng cường đào ao, hồ nhỏ, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa...
“Ngoài mô hình đào các ao, hồ nhỏ bên cạnh suối để tích trữ nước, tỉnh Lâm Đồng hiện đang nghiên cứu mô hình các công trình trữ nước bể chứa ở địa hình cao, không có nguồn cấp nước tự nhiên và được cấp nước từ máy bơm. Nguồn năng lượng bơm tưới có thể sử dụng điện giá rẻ vào ban đêm hoặc lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời. Nước tưới được dẫn bằng đường ống và hệ thống tưới tiên tiến tiết kiệm. Mô hình kỳ vọng khuyến khích người dân phát triển thêm nhiều các công trình thủy lợi nhỏ ở những nơi không gần nguồn nước, phục vụ tưới trong mùa khô vừa tiết kiệm chi phí năng lượng và tiết kiệm nước...”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Phúc cho biết. Theo đó, tỉnh đã ban hành thiết kế mẫu, hướng dẫn lập hồ sơ, dự toán thực hiện và hàng năm bố trí khoảng 10 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương đào ao, hồ nhỏ, phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến tiết kiệm nước. Tính chung từ năm 2017 đến nay, tỉnh đã phân bổ 12 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Phòng, chống thiên tai để hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất sau thiên tai.
Đáng nói hiện tượng sương muối xảy ra vào tháng 3/2015 và tháng 2/2020, gây hại lần lượt trên diện tích cây cà phê và hoa màu 1.180 ha và gần 470 ha thuộc huyện Lạc Dương, huyện Lâm Hà và TP Đà Lạt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai các giải pháp phục hồi sản xuất như: cưa đốn, cắt bỏ thân cành bị cháy; trồng xen các loại cây họ đậu, bắp; trồng bổ sung các loại cây bơ, mắc ca, muồng che bóng; chuyển đổi sang trồng hồng ăn trái trên các vùng đất dốc; trồng atiso, rau, củ, quả tại các khu vực thấp... Đến nay, tỉnh đã xây dựng 3 trạm cảm biến nhiệt độ, ẩm độ tại các xã Đạ Chais, Đạ Sar, Đa Nhim, huyện Lạc Dương để dự báo sương muối, khuyến cáo các biện pháp chủ động phòng, chống hiệu quả.
Ngoài ra những năm gần đây, số lượng cơn lốc xoáy, mưa đá xảy ra ngày càng gia tăng, nhất là vào những thời điểm giao mùa, gây hư hỏng nhà kính, nhà lưới sản xuất, nhà ở, tỉnh đã hỗ trợ từ 12,5 -25 triệu đồng/ha và từ 3 đến 10 triệu đồng/căn. Đối với mưa lớn, lũ quét, ngập lụt thường ảnh hưởng phạm vi hẹp, thời gian lũ lên và xuống nhanh dưới 2 ngày. Tuy nhiên, tốc độ dòng chảy nhanh, gây thiệt hại cây trồng, vật nuôi, công tác cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả gặp nhiều khó khăn do nước chảy xiết. Đặc biệt khi lũ thượng nguồn đổ về, thường rất bất ngờ, dẫn đến những thiệt hại khó lường. Đặc biệt, vào thời điểm tháng 8 năm 2019, mưa lũ xảy ra trên toàn tỉnh làm hơn 2.600 căn nhà bị ngập, hơn 4.700 ha cây trồng, 110 ha nuôi trồng thủy sản..., ước thiệt hại khoảng 210 tỷ đồng. Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát khẩn cấp và hỗ trợ 9,2 tỷ đồng từ Quỹ Phòng, chống thiên tai cho người dân sửa chữa nhà ở và phục hồi sản xuất.
Bài học kinh nghiệm của tỉnh Lâm Đồng đối với loại hình thiên tai hạn hán cần điều chỉnh sản xuất ở những vùng thiếu nước tưới, chuyển đổi những diện tích lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn. Tập trung phát triển các loại hình thủy lợi nhỏ để tăng tích trữ dòng chảy vào cuối mùa mưa để tưới cho mùa khô. Sử dụng các biện pháp bơm kết hợp hệ thống điện năng lượng mặt trời để đưa nước đến các khu vực nằm xa nguồn nước, xa công trình thủy lợi. Kết hợp với các biện pháp tưới tiên tiến tiết kiệm nước nhằm tăng hiệu quả sử dụng nước.
Đồng thời tập trung nạo vét hồ chứa, kênh mương công trình thủy lợi để tăng dung tích trữ phục vụ tưới trong mùa khô. Trước khi xảy ra các loại hình thiên tai khó dự báo như lốc xoáy, sương muối, cần tuyên truyền người dân nắm bắt các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả. Khi thiên tai xảy ra cần khẩn trương triển khai các lực lượng theo phương châm “4 tại chỗ” để kịp thời hỗ trợ người dân ứng phó. Sau khi thiên tai xảy ra, cần khẩn trương thống kê, hỗ trợ kinh phí, giống, cây trồng, vật nuôi, con giống, phân bón, vật tư thiết yếu kịp thời cho người dân khôi phục sản xuất…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin