Thầy giáo dạy toán “kiêm” kỹ sư nông nghiệp Phạm Ngọc Khánh (sinh năm 1988) ở thôn Đa Quý, xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt hơn 5 năm tập trung nghiên cứu, thử nghiệm thành công chế phẩm bơm phun trên lá cây hoa cúc mang tên PNK01, đã giảm thiểu thấp nhất chi phí đầu tư và tăng năng suất tối đa sản phẩm hoa cắt cành trên địa bàn.
Chế phẩm PNK01 của thầy giáo toán - kỹ sư nông nghiệp Phạm Ngọc Khánh giúp cây hoa cúc hấp thụ 80 - 95% dinh dưỡng |
Vào thời điểm cuối tháng 4 vừa qua, tại vườn hoa cúc 500 m2 hơn 45 ngày tuổi ở thôn Đa Quý, xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt, phóng viên ghi nhận từng luống cây xanh mướt từ gốc, thân đến ngọn lá, chiều cao từ 55 - 60 cm. Bên cạnh đó, cũng trên diện tích hơn 500 m2 hoa cúc đóa khoảng hơn 75 ngày tuổi đang bao lưới từng nụ búp căng đầy. Đây là khu vườn hoa cúc sản xuất thương phẩm kết hợp với trình diễn hiệu quả sử dụng chế phẩm PNK01 của thầy giáo - kỹ sư nông nghiệp Phạm Ngọc Khánh thực hành. Qua đó tiếp đón nông dân TP Đà Lạt và các huyện phụ cận tham quan, đối chứng và áp dụng chế phẩm phù hợp với điều kiện sản xuất trên diện tích đất vườn của mình. Nâng phiến lá cây hoa cúc xòe bung trong lòng bàn tay, Khánh cho biết: “Hoa cúc xuống giống trồng sau 10 ngày sinh trưởng là bắt đầu bơm phun chế phẩm PNK01 trên lá, tỷ lệ hòa tan 100 cc nước cốt với 25 lít nước giếng khoan trên diện tích 1.000 m2. Sau đó cứ 3 - 4 ngày bơm phun trên lá một lần và kết thúc trước 10 ngày thu hoạch mỗi vụ hoa cúc...”.
Kết quả, chế phẩm PNK01 bơm phun trên lá đã giúp cây hoa cúc hấp thu đầy đủ dinh dưỡng, tăng sức đề kháng các loại sâu bệnh trong quá trình sản xuất. Cụ thể với mật độ trồng 60.000 cây/1.000 m2 hoa cúc đóa và hoa cúc chùm trên vùng nông nghiệp Đà Lạt và các huyện phụ cận sử dụng chế phẩm PNK01 đạt sản lượng thu hoạch trung bình 100 thùng hoa cúc đóa và hoa cúc chùm, tổng cộng 300 bó. Tương ứng tăng khoảng 40% so với sản xuất thông thường. Đặc biệt, phần lớn thời vụ sử dụng chế phẩm PNK01 đã mang lại hiệu quả 3 giảm cho người sản xuất hoa cúc gồm: Giảm 70 - 80% lượng phân bón hóa học bón gốc; giảm 20 - 30% các loại thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ bệnh hại; giảm đáng kể nhân công lao động vận hành hệ thống tưới nước áp lực…
Nhà nông trẻ Bùi Văn Ký (sinh năm 1999) ở làng hoa Xuân Thành, Xuân Thọ, TP Đà Lạt đánh giá: “Qua hơn một năm sử dụng chế phẩm PNK01 bơm phun tưới lá trên diện tích 1.500 m2 trồng khoảng 100.000 cây hoa cúc, đã tăng sản lượng từ 40% trở lên. Vụ hoa cúc mới từ tháng 5/2023 sẽ tiếp tục sử dụng chế phẩm PNK01 mở rộng thêm diện tích 500 m2 nữa…”. Nhân rộng đến nay, thầy giáo toán - kỹ sư nông nghiệp Phạm Ngọc Khánh ước tính hơn 2 năm cung cấp cho nông dân sử dụng chế phẩm PNK01 với tổng diện tích trên dưới 20 ha hoa cúc, tập trung các địa bàn như: Xuân Thọ, Xuân Trường, Trạm Hành, Thái Phiên, Măng Lin, Tà Nung (TP Đà Lạt); Đạ Sar (huyện Lạc Dương); Tân Văn, Tân Hà (huyện Lâm Hà)…
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt nói rằng, chế phẩm PNK01 của thầy giáo Phạm Ngọc Khánh ở thôn Đa Quý của xã Xuân Thọ được nghiên cứu nhiều năm để điều chế với quy trình kỹ thuật bài bản, dựa trên các công thức hóa học kết hợp với bổ sung kinh nghiệm từ thực tế sản xuất, đã chứng tỏ thích hợp sử dụng không chỉ đối với cây hoa cúc, mà còn đối với cây trồng khác, đặc biệt là các loại hoa cát tường, cẩm chướng, lily... “Bước đầu cho thấy, đây là chế phẩm đáp ứng với tiêu chí bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ vi sinh vật có lợi trong đất, nên mong muốn ngành Nông nghiệp Lâm Đồng sớm khảo sát, hỗ trợ các thủ tục cấp chứng nhận sáng chế chế phẩm PNK01 cho thầy giáo Phạm Ngọc Khánh được chính thức công bố, chịu trách nhiệm chất lượng sản phẩm cung cấp ở phạm vi lớn hơn nữa cho nông dân sử dụng…”.
Về phần mình, thầy giáo toán - kỹ sư nông nghiệp Phạm Ngọc Khánh thổ lộ đến hơn 25 lần tổng hợp quy trình thực nghiệm không thành mới tìm ra các thành phần nguyên liệu phân bón để phối trộn, hòa tan với nguồn nước sạch giếng khoan tạo ra chế phẩm PNK01 bơm phun trên lá, tăng cường dinh dưỡng và tối ưu hóa giá trị thu nhập cho cây hoa cúc Đà Lạt và các huyện phụ cận hôm nay.
“Việc bón phân qua lá sẽ chủ động cung cấp các nguyên tố khoáng vi lượng thiết yếu như: Cu, Fe, Zn, Mn, Mo..., giúp cây hấp thụ tới 80 - 95% dinh dưỡng. Trong khi việc bón phân qua rễ chỉ đạt mức 30 - 45% vì ảnh hưởng từ điều kiện đất đai, khí hậu, ẩm độ, một phần dinh dưỡng bị cố định trong đất, quá trình bay hơi, rửa trôi… Do vậy việc nghiên cứu công thức PNK01 - dạng phân bón lá giúp làm giãn nở toàn bộ tế bào, kích thích mập thân, to lá, không chỉ tăng năng suất còn giúp cho cây càng dễ hấp thụ các loại phân bón khác…”, thầy giáo toán - kỹ sư nông nghiệp Phạm Ngọc Khánh chia sẻ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin