Mở rộng thu hút đầu tư vào nông nghiệp

NGỌC NGÀ 02:52, 31/05/2023

Đó là một trong những giải pháp đóng vai trò quyết định cho sự phát triển của ngành Nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng. 

Thu hút đầu tư vào nông nghiệp là một trong những giải pháp đóng vai trò quyết định sự phát triển của ngành Nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng
Thu hút đầu tư vào nông nghiệp là một trong những giải pháp đóng vai trò quyết định sự phát triển của ngành Nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng

TIỀM NĂNG THU HÚT ĐẦU TƯ

Lâm Đồng có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp. Ngoài điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu giúp Lâm Đồng hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn với nhiều chủng loại sản phẩm phong phú, đa dạng từ đó tạo ra vùng nguyên liệu lớn thì lợi thế về nguồn lực lao động dồi dào, kinh nghiệm sản xuất thực tiễn phong phú, đặc biệt là tư duy nhạy bén, theo kịp xu hướng phát triển của nông nghiệp trong nước và thế giới cũng là một trong những thế mạnh của nông nghiệp Lâm Đồng. Đặc biệt, Tỉnh ủy, UBND tỉnh có sự quan tâm đặc biệt đến phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung và thu hút đầu tư doanh nghiệp vào nông nghiệp nói riêng thông qua việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa và một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến cơ sở. Tỉnh cũng đã triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết số 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, giảm chi phí khởi nghiệp, giảm chi phí đầu vào, khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp định kỳ hàng tháng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài tỉnh… Đó là những nền tảng quan trọng để thu hút đầu tư vào nông nghiệp của Lâm Đồng.

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh, đến nay, Lâm Đồng đã thu hút được 103 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 533,29 triệu USD. Trong đó, có 77 doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực nông nghiệp với tổng vốn đầu tư gần 267 triệu USD và khoảng 1.425 doanh nghiệp, cơ sở trong nước đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; 327 doanh nghiệp đang đầu tư 393 dự án liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp với tổng diện tích là 56.798 ha. 

Các dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp đã và đang làm tăng giá trị hàng nông sản, tăng giá trị sử dụng đất; bên cạnh đó, hoạt động của một số doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã góp phần trong việc nâng cao ý thức tổ chức, kỷ luật, kỹ năng lao động mang tính chuyên nghiệp cho người lao động. Các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào thu ngân sách của địa phương, giải quyết được nhiều việc làm và thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với Chương trình xây dựng Nông thôn mới; đồng thời, doanh nghiệp cũng là nhân tố nòng cốt trong công tác ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ, đầu mối thực hiện chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu các nông sản chủ lực của tỉnh ra thị trường ngoài nước. Đặc biệt, việc thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong thời gian qua đã góp phần đưa Lâm Đồng trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong cả nước về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Hiện nay, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 62 nghìn ha với giá trị sản xuất bình quân 180 triệu đồng/ha/năm. Riêng diện tích rau ứng dụng công nghệ cao đạt từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm, sản xuất hoa đạt 800 triệu đến 1,2 tỷ đồng/ha/năm.

Lâm Đồng có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp
Lâm Đồng có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp

• THU HÚT DOANH NGHIỆP CÓ TIỀM LỰC VỀ VỐN, CÔNG NGHỆ

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh Lâm Đồng xác định việc lấy doanh nghiệp làm nòng cốt, nông dân là chủ thể, đồng thời, ứng dụng khoa học công nghệ là điều kiện tiên quyết để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả; khuyến khích thu hút các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp có tiềm lực về vốn, công nghệ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là những dự án sử dụng ít tài nguyên, có hàm lượng ứng dụng khoa học công nghệ cao, dự án về sản xuất giống, công nghiệp chế biến và máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp để thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo chiều sâu, theo hướng tạo thêm giá trị gia tăng thay cho chỉ tăng về số lượng.

Bên cạnh đó, tỉnh Lâm Đồng cũng chú trọng phát triển doanh nghiệp tại chỗ theo hướng khuyến khích các trang trại, hộ gia đình, các nhóm hộ có đủ điều kiện, năng lực hình thành các doanh nghiệp, hợp tác xã ngay tại địa phương. Đây là các doanh nghiệp nông nghiệp đi lên từ sản xuất, có sự am hiểu sâu sắc về đặc thù sản xuất của tỉnh, có mối quan hệ chặt chẽ với người nông dân, có sẵn điều kiện về đất đai để tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đối với các đối tượng này, tỉnh tập trung hỗ trợ về đào tạo năng lực quản lý, tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận thị trường, tiếp cận khoa học công nghệ mới để có thể đứng vững và ngày càng phát triển, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn của tỉnh.

Tranh thủ và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn do Trung ương hỗ trợ, các nguồn vốn chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; đồng thời, xây dựng và triển khai các các đề án sử dụng ngân sách địa phương kết hợp huy động nguồn lực trong Nhân dân như Đề án Xã hội hóa công tác đầu tư và khai thác công trình nước sinh hoạt thôn, Đề án Phát triển hệ thống ao, hồ nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp,... nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.