Mười năm trước, một người nông dân đã dẫn những nhà khoa học đi tìm cây trà hoa vàng Đà Lạt nơi những khu vực rừng sâu. Và hôm nay, những cây trà nhỏ xíu đang quay lại, bén rễ trên những mảnh vườn - rừng của người nông dân xứ núi.
Chăm sóc cây trà con trong vườn ông Trần Văn Minh, thôn Phát Chi, xã Trạm Hành |
• LỜI HẸN MƯỜI NĂM
Ông Tô Trung Dũng, nông dân thôn Phát Chi, xã Trạm Hành (Đà Lạt) vốn là người yêu rừng, mày mò với rừng. Trong những dịp đi rừng, nhất là những khu rừng sâu, rừng già, ông Dũng chú ý tới một loài cây bụi sống dưới tán rừng với những bông hoa vàng tươi tắn. Ông chụp ảnh, ghi chú nơi sinh sống của loài cây ấy.
Và vào năm 2013, một đoàn các nhà khoa học Việt Nam - Nhật Bản đã tới Trạm Hành tìm kiếm dấu vết về loài cây thuộc họ trà với những bông hoa vàng đặc sắc: cây trà hoa vàng Đà Lạt. Ông Tô Trung Dũng là người đưa các nhà khoa học leo rừng lội suối, tìm đến những nơi cây trà sinh sống, mọc thành cụm hoặc mọc đơn lẻ. Ông bảo, những nhà khoa học rất say mê với cây trà hoa vàng. Họ lặn lội khắp các khu vực núi quanh khu vực rừng già trên đèo D’ran, chụp hình, quay phim, đo đạc kỹ từng cá thể trà, nơi sinh trưởng và nhiều vấn đề. Họ cũng hỏi ông Dũng và nhiều bà con về nhiệt độ, thời tiết, những nét riêng của xứ rừng D’ran, về hiểu biết của người dân về cây trà hoa vàng. Ông Dũng giữ gìn kí ức về đoàn khoa học ấy như một kỷ niệm đẹp của người nông dân yêu rừng.
Không ngờ, mười năm sau, những cây trà đã trở lại với cuộc sống của người Trạm Hành. Từ một dự án của Hội Nông dân TP Đà Lạt về việc trồng xen trà hoa vàng trong vườn cà phê, vườn cây trồng xen, nhiều nông dân đã được Hội đưa giống trà hoa vàng, phân bón, chuyển giao kỹ thuật canh tác. Những cây trà nhỏ xíu, với những chiếc lá mỏng mảnh đã đi một vòng tròn, từ rừng Đà Lạt trở về vườn bảo tồn, nhân giống và quay lại mảnh đất Trạm Hành, nơi những cây trà mẹ rời đi. Lần trở về này, những cây trà hoa vàng mang trong mình một niềm tin, ấy là sống khỏe, phát triển tốt trong vườn của người nông dân, góp phần tạo hệ sinh thái vườn - rừng bền vững. Và, người góp phần đưa cây trà quay về vườn rừng cũng là một thành viên trong đoàn khoa học khảo sát năm nào, Tiến sỹ Lương Văn Dũng - Khoa sinh học, Trường Đại học Đà Lạt.
• CÂY TRÀ TRÊN ĐẤT VƯỜN RỪNG
Ông Nguyễn Ngọc Đãi, nông dân thôn Phát Chi, xã Trạm Hành đang chăm sóc đám trà hoa vàng 8 tháng tuổi, được trồng xen với vườn cà phê đang tuổi kiến thiết của gia đình. Ông Đã bảo, cây trà nhỏ xíu, khi tới tay nhà nông mới cao chừng 12-15 cm. Sau một mùa khô, đất cằn, khô khát, một vài cây con đã gục ngã. Còn hầu hết những cây trà con đã vững vàng qua được mùa hạn, đâm chồi nảy nhánh. Ông Đãi cho biết, cây trà trong rừng là cây ưa bóng, vườn nhà ông lại là cà phê tái canh, bóng mát chưa nhiều nên cây lớn chậm. Ông tin chắc, sau mùa mưa này, những cây trà đã bén rễ sẽ lớn rất nhanh.
Ông Trần Văn Minh cũng nhận 400 cây trà hoa vàng con từ dự án của Hội. Trồng xen trong vườn cà phê trưởng thành nên những cây trà được che bóng tốt, sức sống rất mạnh. Cây lớn khá nhanh, đã cao hơn 10 cm so với khi xuống giống. Thời gian đầu, cây trà được nông dân bao bọc, che chắn rất kỹ bằng túi bạt, tránh mưa, gió và ánh nắng ảnh hưởng tới cây trà non. Ông Minh cho biết, Hội Nông dân giao giống, giao phân bón và chuyển giao kỹ thuật canh tác tại vườn, có cả tham quan tại các vườn trà hoa vàng tại Đạ Huoai. Và người chuyển giao lại chính là Tiến sỹ Lương Văn Dũng, người đã có thời gian dài lặn lội đất Trạm Hành tìm kiếm cây trà hoa vàng.
Ông Nguyễn Đức Công, Chủ tịch Hội Nông dân TP Đà Lạt cho biết, xuất phát từ mục tiêu đa dạng hóa cây trồng, trồng cây dưới tán cà phê để tăng thu nhập và bảo vệ môi trường, Hội đã chọn cây trà hoa vàng Đà Lạt để nông dân Trạm Hành trồng thử nghiệm xen trong vườn cà phê và cây ăn trái. Cây trà được lấy từ Vườn trà hoa vàng đầu dòng thuộc Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng. Điều đặc biệt, một mối duyên là cây trà đầu dòng lại chính là cây trà được sưu tầm từ rừng Trạm Hành vào thời điểm 10 năm trước. Đó là giống Trà mi Đà Lạt, loài cây đặc hữu, một trong 5 loại trà mi của Lâm Đồng, đồng thời là giống trà có khả năng nhân rộng, trồng thương phẩm. Và chính Tiến sỹ Lương Văn Dũng tiếp tục quay trở lại Trạm Hành, trực tiếp hướng dẫn bà con cách chăm sóc cây trà hoa vàng với mong ước cây trà sẽ bén rễ, trưởng thành, khoe sắc vàng trên đất rừng quê hương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin