(LĐ online) - 420.000 đồng/kg cà phê nhân xanh Robusta, một nhà rang chịu trả giá cao gấp 8 lần so với giá thị trường để có lô hàng 1 tấn Robusta được chứng nhận canh tác theo phương pháp hữu cơ của Hợp tác xã Hoa Linh Coffee (Thôn 9, xã Tân Châu, huyện Di Linh).
Ông Trần Mai Bình (thứ 3 từ phải sang) tại phiên đấu giá lô hàng cà phê đặc sản |
Sau khi lọt top 10 cà phê Robusta đặc sản cuộc thi “Cà phê đặc sản Việt Nam - Vietnam Amazing Cup” năm 2023, ông Trần Mai Bình - Giám đốc Hợp tác xã Hoa Linh Coffee đã tham gia phiên đấu giá do Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2 - 9 (Simexco Daklak) phối hợp với Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức.
Kết quả đạt ngoài sự mong đợi, sản phẩm cà phê được sản xuất hữu cơ của Hợp tác xã Hoa Linh Coffee đã được mua với giá 420.000 đồng/kg, trong khi giá khởi điểm của lô hàng này được ông Trần Mai Bình gửi đến Ban tổ chức là 130.000 đồng.
Sản phẩm cà phê Robusta có chứng nhận hữu cơ được khách hàng ưa chuộng |
Ông Bình cho biết, đây là năm thứ 2 ông đưa sản phẩm của mình đi thi cuộc thi cà phê đặc sản và là lần đầu tiên được chấm 83,38 điểm, đạt top 10 cà phê Robusta đặc sản - Fine Robusta.
“Mức giá 420.000đ/kg cà phê nhân xanh Robusta mà nhà rang đã trả để có được lô hàng cà phê Robusta của Hợp tác xã Hoa Linh cho thấy những công sức, tâm huyết của người nông dân đã được khẳng định. Mức giá này sẽ mở ra những hy vọng mới và là động lực tiếp sức cho những người nông dân Di Linh trên hành trình theo đuổi con đường cà phê chất lượng cao”, ông Bình chia sẻ.
Gắn bó đời mình với cây cà phê nhưng ông Bình bảo rằng mình chỉ thực sự hiểu được cây cà phê trong vài năm trở lại đây. Đó là thời điểm năm 2018, khi ông tham gia một khóa học chuyên sâu về sơ chế cà phê. Từ đó người nông dân này mới vỡ lẽ rằng cách làm truyền thống vô hình trung đã làm hạt cà phê mất đi hương vị đặc trưng vốn có, và cũng xác định được con đường của mình với hướng sản xuất cà phê hữu cơ, đi từ “farm to cup”.
Đó cũng là mục tiêu hiện nay mà Hợp tác xã Hoa Linh Coffee theo đuổi. Để hiện thực hóa ước mơ về một vùng sản xuất cà phê chất lượng cao, HTX Hoa Linh Coffee với 7 xã viên đã và thực hiện liên kết với 20 nông hộ, với tổng diện tích 50 ha, trong đó, có 4,5 ha được chứng nhận hữu cơ. Mục tiêu cuối năm nay là 15 ha được cấp giấy chứng nhận cà phê hữu cơ.
Hiện ông Bình đang hoàn thiện hệ thống xưởng, kho bãi để tiếp tục nâng cao chất lượng cà phê của mình và Hợp tác xã |
“Ban đầu làm sơ chế theo các phương pháp như honey, natural trải qua nhiều công đoạn từ khâu thu hoạch, đến sơ chế… tốn nhiều công sức, thời gian nhưng ngay mùa vụ đầu tiên tôi đã bán được giá cao hơn gấp đôi so với giá chung của thị trường cà phê. Từ đó, tôi thấy rằng giá trị mình nhận lại lớn hơn nên quyết tâm theo đuổi con đường này”, ông Bình chia sẻ.
Cũng theo ông Bình, với độ cao 900 m - đây là vùng trồng cà phê Robusta ở độ cao nhất nước ta nên tạo ra được hạt cà phê có hương vị đặc trưng mà nhiều nơi khác không có được. Nhưng dường như hiện nay, cà phê robusta Di Linh vẫn chưa có được chỗ đứng xứng đáng trên thị trường. Sản lượng Fine Robusta Lâm Đồng cũng vẫn còn quá ít so với tổng diện tích cà phê của cả tỉnh.
“Lợi thế là vậy nhưng quan trọng là cần phải sử dụng các phương pháp phù hợp để nâng cao chất lượng và đảm bảo hương vị vốn có. Tôi luôn mong cái tên Di Linh sẽ ngày càng nổi tiếng trên bản đồ cà phê đặc sản của Việt Nam”, ông Bình bày tỏ.
Đó cũng chính là lý do ông đưa cà phê của mình tham gia chấm điểm tại cuộc thi cà phê đặc sản. Bởi từ đây, sản phẩm đã có cơ hội tiếp cận nhiều khách hàng đến từ khắp cả nước. Thêm vào đó, việc có những đơn vị chấp nhận mua các lô cà phê nhân này với giá cao là sự thừa nhận và cách để từng bước đưa hạt cà phê của Việt Nam bước lên những tầm cao mới.
Theo đánh giá của ban tổ chức, việc tổ chức thành công các chương trình này đã tạo lập được thị trường cho cà phê đặc sản của Việt Nam. Tại đây, người nông dân đã có dịp chứng minh về mặt chất lượng của hạt cà phê qua quá trình dày công chăm sóc, chế biến. Mặt khác, ở góc độ thị trường, về phía người mua có thể chọn được sản phẩm giá trị, phù hợp với nhu cầu cao cấp mà người tiêu dùng đang mong chờ từ hạt cà phê Việt Nam.
Thông qua các phiên đấu giá cũng đã giới thiệu, kết nối trực tiếp nhà rang xay trong và ngoài nước với người nông dân, đơn vị sản xuất cà phê đặc sản, để thương mại hóa các lô hàng tham gia cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam. Từ đó tạo ra những giá trị gia tăng cho cà phê đặc sản Việt Nam và giúp cho người trồng cà phê ngày càng quan tâm đến việc nâng cấp chất lượng sản phẩm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin