Tái cơ cấu nông nghiệp trong vùng nông thôn mới

VĂN VIỆT 01:10, 24/05/2023

Triển khai giải pháp tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trong những năm gần đây, trong đó trọng tâm chuyển đổi cây trồng, vật nuôi gắn với xây dựng nông thôn mới, huyện Di Linh đã tạo ra những bước chuyển quan trọng để tiếp tục phát huy hiệu quả trong giai đoạn tiếp theo.

Diện tích mắc ca 3,6 ha của Công ty TNHH Mắc ca Việt tại xã Hòa Trung, huyện Di Linh vừa được cấp Chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam
Diện tích mắc ca 3,6 ha của Công ty TNHH Mắc ca Việt tại xã Hòa Trung, huyện Di Linh vừa được cấp Chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam

CÂY TRỒNG CÔNG NGHỆ CAO, CHĂN NUÔI AN TOÀN

Thống kê đến nay, toàn huyện Di Linh đạt diện tích gieo trồng 60.523 ha; trong đó, diện tích cây cà phê 44.802 ha, năng suất hơn 3,3 tấn/ha. Riêng trong năm 2022, toàn huyện tái canh gần 1.870 ha cà phê; trồng xen hơn 937,3 ha bơ, sầu riêng, mắc ca..., lũy kế đạt tổng diện tích gần 10.059 ha. Tính chung diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của toàn huyện Di Linh 868,5 ha, bao gồm 746 ha cà phê, 50 ha rau, 17,5 ha hoa, 55 ha sầu riêng, bơ…

Tiêu biểu, vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao xã Đinh Lạc đã được UBND tỉnh công nhận với diện tích hơn 371,6 ha. Nhiều hộ nông dân trồng cà phê trên địa bàn đã và đang chuyển dần từ phương thức canh tác truyền thống sang sản xuất theo quy trình hữu cơ với gần 195 ha. Theo đó đã cấp giấy Chứng nhận sản xuất cà phê hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam cho các hộ ông Nguyễn Thái Nam (35 ha, xã Đinh Lạc); 3 hộ ông Đỗ Duy Tùng, ông Đinh Văn Đồng (xã Hòa Bắc), ông Trần Mai Bình (xã Tân Châu) với tổng diện tích 6 ha. Đáng kể, Công ty TNHH Mắc ca Việt tại xã Hòa Trung đã được cấp giấy Chứng nhận nông nghiệp hữu cơ Việt Nam với diện tích 3,6 ha mắc ca, sản lượng dự kiến 18 tấn/năm. “Việc cấp giấy Chứng nhận sản xuất cà phê đáp ứng tiêu chuẩn hữu cơ đối với doanh nghiệp, hộ gia đình cho thấy bước chuyển biến tích cực giúp ngành cà phê phát triển đa dạng, toàn diện, bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, tạo nên thương hiệu lan tỏa ra thị trường trong nước và thế giới…”, theo ngành Nông nghiệp huyện Di Linh. 

Ngoài ra, toàn huyện Di Linh đang phát triển hơn 11 ha cây dược liệu, tập trung chủ yếu các loại cây chủ lực như: đẳng sâm, gừng, sả, lô hội, trà hoa vàng… Hiện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện xây dựng kế hoạch phát triển cây dược liệu trên địa bàn đến năm 2025, trong đó khai thác bền vững gắn với bảo tồn 5 loài dược liệu bản địa, đặc hữu trong tự nhiên như trà hoa vàng (camellia spp); sâm cau (curculigo orchioides); chè dây (ampelopsis cantoniensis); sâm bố chính (abelmoschus moschatus), xáo tam phân (paramigny trimera), quy mô khoảng 100 ha dưới tán rừng.

Bên cạnh chuyển đổi cây trồng, huyện Di Linh đã hình thành và phát triển 6 xã chăn nuôi an toàn theo tiêu chuẩn VietGAHP, trong đó nhân rộng nhiều mô hình chăn nuôi chim cút, gà đẻ trứng theo quy mô trang trại. Riêng các hộ chăn nuôi bò sữa đã hợp đồng liên kết cung ứng thức ăn và tiêu thụ sản phẩm sữa tại Trạm thu mua sữa của Công ty Vinamilk ở xã Đinh Lạc và Trạm thu mua sữa của Hợp tác xã Bò sữa Dairy Farmers Di Linh ở xã Liên Đầm, tổng sản lượng sữa đạt khoảng trên 3.000 lít/ngày, giá sữa ổn định từ 11.000 - 14.500 đồng/lít.

Gắn triển khai Chương trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, huyện Di Linh đầu tư tương đối hoàn chỉnh và từng bước hiện đại kết cấu hạ tầng điện, giao thông, trường học, trạm y tế, thủy lợi, tạo nhiều bước đột phá quan trọng, tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2021 - 2025 giảm xuống còn 3,9%. Đến nay, 18/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (Hòa Ninh, Đinh Lạc), 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (Hòa Ninh); 40 thôn được công nhận thôn nông thôn mới kiểu mẫu. 

ĐẠT TIÊU CHÍ HUYỆN NÔNG THÔN MỚI TRƯỚC NĂM 2025

Giai đoạn từ nay đến năm 2025, huyện Di Linh tiếp tục tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành, bền vững, hiện đại có giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cao, trong đó tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh gắn với thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá và xây dựng thương hiệu các sản phẩm chủ lực của địa phương; tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thủy lợi, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, giao thông nội đồng, đáp ứng yêu cầu sản xuất.

Với ngành chăn nuôi phát triển các vùng tập trung công nghệ cao, phấn đấu đến năm 2025 đạt khoảng 10.000 con bò thịt và 1.500 con bò sữa. Gắn phát triển nông nghiệp hiện đại với xây dựng nông thôn mới văn minh giai đoạn 2021 - 2025, huyện Di Linh xác định các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để phát huy hơn nữa vai trò chủ thể của người dân, huy động hợp lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, toàn diện, phù hợp với từng khu vực, chủ động, xây dựng thành công, hiệu quả các mô hình trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Từ đó phấn đấu đạt tiêu chí huyện nông thôn mới trước năm 2025 và huyện nông thôn mới kiểu mẫu trước năm 2030...