(LĐ online) - Sáng 16/5, TP Bảo Lộc tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực trà, tơ lụa trên địa bàn thành phố.
Đồng chí Tôn Thiện Đồng – Bí thư Thành ủy Bảo Lộc; đồng chí Nguyễn Văn Phương – Phó Bí thư, Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc chủ trì buổi gặp mặt |
Dự buổi gặp mặt có các đồng chí: Tôn Thiện Đồng – Bí thư Thành ủy Bảo Lộc; Nguyễn Văn Phương – Phó Bí thư, Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc; đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố; các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị cùng hơn 100 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động trên lĩnh vực trà, lụa tơ tằm.
THÀNH PHỐ CỦA TRÀ, LỤA TƠ TẰM
Trên địa bàn thành phố Bảo Lộc hiện nay có khoảng 160 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh trà; trong đó, có 70 doanh nghiệp và khoảng 90 cơ sở sản xuất. Sản lượng sản xuất các loại trà hàng năm đạt khoảng 23.000 tấn.
Hoạt động sản xuất, chế biến trà cũng thay đổi công nghệ theo thời gian, trước đây chỉ sử dụng các thiết bị thô sơ, thì nay sản xuất chế biến trà dần tự động hóa một số công đoạn từ thu hái, chế biến phân loại thành phẩm. Hầu hết các thiết bị chính trong dây chuyền công nghệ có thời gian sử dụng từ 6-15 năm chiếm tỷ trọng trên 60%, số dây chuyền thiết bị đồng bộ chiếm 21%, tình trạng thiếu đồng bộ thiết bị diễn ra chủ yếu ở các cơ sở cá thể sản xuất, kinh doanh sản phẩm trà sơ chế.
Đồng chí Tôn Thiện Đồng – Bí thư Thành ủy Bảo Lộc phát biểu tại buổi gặp mặt |
Một số cơ sở đầu tư các trang thiết bị mới gồm các loại máy vò, máy sào, máy sấy để sản xuất trà thành phẩm; một số doanh nghiệp đầu tư dây chuyền chế biến chè đen CTC, OTD nhập từ Anh, Liên xô, Ấn Độ, các thiết bị tách màu, máy đóng trà túi lọc, máy đóng gói… nhằm tăng chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm.
Thị trường tiêu thụ trong nước phần lớn là các tỉnh miền Tây, Thành phố Hồ Chí Minh và một phần ở các tỉnh miền Trung. Các sản phẩm tiêu dùng chủ yếu là chè xanh, chè xanh ướp hương, một phần chè Ô long. Sản lượng tiêu dùng nội địa hàng năm khoảng 11.900 tấn. Phương thức bán hàng qua các đại lý phân phối tại các tỉnh.
Các sản phẩm xuất khẩu là chè Ô long, chè xanh, chè xanh ướp hương, chè đen. Chè đen được xuất chủ yếu đi các nước như Đài Loan, Indonesia, Thái Lan; các sản phẩm chè xanh xuất đi các nước Singapore, Apganistan, Pakitan, Ả rập, Đài Loan, Trung Quốc và các sản phẩm chè ướp hương xuất đi Mỹ, Nhật và các sản phẩm chè cấp thấp xuất đi Insonesia. Hàng năm, hoạt động xuất khẩu trà đạt khoảng 15 triệu USD.
Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp, cơ sở |
Đến nay, UBND thành phố đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu Trà B'Lao cho 32 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến trà trên địa bàn TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm.
Diện tích trồng dâu của các hộ dân hiện nay khoảng 755 ha, tăng 4,1% so với cùng kỳ; bao gồm của các doanh nghiệp, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông lâm nghiệp Lâm Đồng và của nhân dân; hầu hết đã được chuyển sang trồng các loại dâu chất lượng cao. Với diện tích dâu hiện nay, nhu cầu trứng giống tiêu thụ tại TP Bảo Lộc khoảng 32.000 - 33.000 hộp trứng tằm; tương đương với khoảng 1.400 - 1.485 tấn kén (khoảng 192.857 kg tơ); hiện có khoảng 15 hộ nuôi tằm con phục vụ cho nhân dân địa phương và các huyện lân cận, với khoảng 600 - 700 hộ nuôi tằm lớn từ tuổi ăn 3 trở lên.
Số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tơ tằm đến nay là 29 doanh nghiệp. Trong đó, có 10 doanh nghiệp ươm tơ, 9 doanh nghiệp dệt, 1 doanh nghiệp in, chải, nhuộm; 5 doanh nghiệp kinh doanh tơ lụa, 3 doanh nghiệp sản xuất trứng giống tằm, 1 doanh nghiệp kinh doanh trứng giống tằm, ngoài ra còn có khoảng 10 hộ ươm gia đình dạng ươm tơ cơ khí. Sản lượng sản xuất, sản lượng tơ khoảng 1.050 tấn tơ/năm; khoảng 5 triệu mét vải lụa các loại.
Đại diện doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tơ lụa tại Bảo Lộc kiến nghị ý kiến |
Tại Bảo Lộc có 3 đơn vị có cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm tơ lụa là cửa hàng Công ty TNHH Hà Bảo, cửa hàng Lụa Việt, cửa hàng của Công ty CP Tơ lụa Bảo Lộc. Thị trường xuất khẩu chủ yếu đi các nước như: Nhật, các nước châu Âu, Ấn Độ, các nước vùng Trung Đông… Kim ngạch xuất khẩu tơ lụa hàng năm đạt 20 - 21 triệu USD.
Các sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc gồm tơ xe các loại từ tơ cấp A đến tơ cấp 5 A. Sản phẩm tơ lụa có nguồn gốc Bảo Lộc có chất lượng tốt được khẳng định từ trước đến nay ở trong nước và trên thị trường quốc tế (chiếm trên 80% sản lượng toàn quốc).
Đến nay, UBND TP Bảo Lộc đã cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Tơ lụa Bảo Lộc” cho 14 công ty và cấp 20.000 tem nhãn hiệu chứng nhận “Tơ lụa Bảo Lộc” cho các đơn vị được cấp nhãn hiệu chứng nhận.
TĂNG CƯỜNG HỖ TRỢ, THÁO GỠ KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC
Thời gian qua, TP Bảo Lộc đã tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ ngành trà, tơ lụa như: Khuyến nông, khuyến công, phát triển thương hiệu, xây dựng quy trình quản lý chất lượng, phát triển thị trường…
Tại hội nghị, các doanh nghiệp, cở sở sản xuất kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực trà, tơ lụa trên địa bàn đã trình bày tham luận; nêu một số khó khăn, vướng mắc.
Đồng chí Tôn Thiện Đồng – Bí thư Thành ủy Bảo Lộc trao giấy khen cho các tập thể có thành tích, đóng góp cho sự phát triển ngành trà, tơ lụa thành phố |
Việc chuyển giao khoa học, kỹ thuật vào việc sản xuất trà tuy được quan tâm, nhưng triển khai thực hiện khó khăn, chậm và hiệu quả thấp; việc tiêu thụ trà tươi chủ yếu qua tư thương hoặc do nông dân bán trực tiếp cho nhà máy không qua hợp đồng, chưa có sự gắn kết giữa người nông dân và nhà máy, cũng như giữa vùng nguyên liệu và cơ sở chế biến.
Diện tích trồng trà trên địa bàn thành phố hiện nay đang có xu hướng giảm, nguyên nhân chủ yếu là do giá trị kinh tế của giống cũ thấp so với một số cây trồng khác như cà phê, dâu tằm; năng suất trà thấp, chất lượng không phù hợp với tính đa dạng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường; lao động sản xuất trà chuyển sang làm việc các lĩnh vực công nghiệp, thương mại làm khan hiếm lao động trồng trà.
Mặt khác, do quy hoạch phát triển dân cư đô thị, dân cư nông thôn và cụm công nghiệp… đã làm giảm đáng kể diện tích trà trong những năm gần đây trên địa bàn TP Bảo Lộc. Nguồn nguyên liệu tại chỗ không đáp ứng nhu cầu sản xuất, nên phải thu mua từ các vùng lận cận, qua đó khó đảm bảo được chất lượng đầu vào cho sản xuất chế biến, không thể truy xuất được nguồn gốc khi cần.
Việc quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định trong nhiều năm qua cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sản phẩm trà sản xuất ra, tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm, rủi ro cho các doanh nghiệp sản xuất. Hàng hóa bị tồn đọng, mất uy tín, mất thị trường.
Quy định ổn định vùng sản xuất trà trong vùng đất nông nghiệp chưa có, do vậy khi những loại cây trồng khác có ưu thế về giá thì nông dân tự ý chuyển đổi mà không bị chế tài. Hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp sản xuất khó bền lâu vì khi giá ổn định thì nông dân bán cho doanh nghiệp sản xuất, còn khi giá thị trường lên hoặc bị đẩy giá lên thì nông dân lại bán ra bên ngoài, nhưng chưa có chế tài xử lý.
Đồng chí Nguyễn Văn Phương – Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc tặng giấy khen cho các cá nhân có thành tích, đóng góp cho sự phát triển ngành trà, tơ lụa thành phố |
Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trà trên địa bàn đa số có quy mô vừa và nhỏ, còn nhiều hạn chế về năng lực tài chính, công nghệ sản xuất và yếu tố con người, nên cũng chưa có sự đầu tư đúng mức cho sản xuất, thiếu vùng nguyên liệu, thiếu các mô hình liên kết với nông dân để ổn định nguồn nguyên liệu và sản xuất bền vững. Do vậy, sản phẩm làm ra chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc tranh mua, tranh bán, cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở, nhà máy, các hình thức sản xuất tự phát, nhỏ lẻ đã gây ra rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất chế biến và sự ổn định để phát triển của ngành trà địa phương.
Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lụa tơ tằm, việc tổ chức cung ứng trứng giống tằm cho sản xuất hiện nay là tự phát, được nhập từ nước ngoài về theo con đường tiểu ngạch, chưa được kiểm soát về nguồn gốc và chất lượng. Nên công tác quản lý nhà nước đối với sản xuất, kinh doanh trứng giống tằm trên địa bàn gặp khó khăn và bị hạn chế.
Công tác tiếp cận, nhập khẩu nguồn giống tằm đầu dòng hoặc giống tằm cấp một để phục vụ nghiên cứu, sản xuất trứng giống tằm thương phẩm phục vụ nhu cầu sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, không đảm bảo được chất lượng trứng giống tằm nên bị ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất, phát triển ngành dâu tằm tơ trên địa bàn.
Ngành trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa thiếu công nhân lao động. Hoạt động ươm tơ, dệt lụa sử dụng hóa chất gây ô nhiễm, đầu tư trang thiết bị xử lý môi trường (đặc biệt xử lý nước thải) đòi hỏi chi phí đầu tư lớn. Cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật còn thiếu, chưa đồng bộ để hình thành cơ sở nuôi tằm con tập trung có chất lượng cũng như cơ sở chăn nuôi tằm còn hoạt động theo thời vụ (phụ thuộc vào giá cả thị trường) đầu tư chưa đạt chuẩn dẫn tới sự thiếu ổn định và bền vững. Tổ chức liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dâu tằm tơ chủ yếu là tự phát, chưa hình thành các chuỗi liên kết sản xuất dâu tằm gắn với tiêu thụ sản phẩm. Việc xúc tiến thương mại cũng như đảm bảo ổn định đầu ra sản phẩm trong nước cũng như trên thế giới còn hạn chế, phụ thuộc.
Ngoài ra, các doanh nghiệp, cơ sở còn đề cập đến các vấn đề như quy định về phòng cháy, chữa cháy; liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng chuỗi giá trị…
Tại hội nghị, đồng chí Tôn Thiện Đồng – Bí thư Thành ủy Bảo Lộc ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực trà, tơ lụa đạt được trong thời gian qua. Đồng thời; đồng chí Tôn Thiện Đồng đã có những chỉ đạo cụ thể dành cho ngành trà về giải pháp phát triển vùng nguyên liệu; đổi mới công nghệ, quy trình chế biến; quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm; quản lý phát triển thương hiệu, thị trường… Đối với ngành trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa cần thực hiện các giải pháp về nguồn giống; tổ chức, tiêu thụ sản phẩm; cơ chế, chính sách…
Dịp này, UBND TP Bảo Lộc đã khen thưởng 7 tập thể, 3 cá nhân có thành tích, đóng góp cho sự phát triển ngành trà, tơ lụa thành phố.
4 tháng đầu năm 2023, tại TP Bảo Lộc giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) ước đạt 1.578 tỷ đồng, tăng 5,1% so cùng kỳ. Thương mại - dịch vụ phát triển khá và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế địa phương. Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn phát triển ổn định, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được nhân rộng. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đến ngày 9/5 đạt 1.162,7 tỷ đồng, bằng 36,29% dự toán. Tổng chi ngân sách đến 9/5 thực hiện 319,84 tỷ đồng, bằng 27,57%. Tính đến 9/5, trên địa bàn thành phố có 92 doanh nghiệp được thành lập mới; thực hiện điều chỉnh 118 giấy và cấp mới 359 giấy đăng ký kinh doanh hộ cá thể với số vốn đăng ký 152,5 tỷ đồng; đăng ký thành lập mới 2 HTX. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin