Thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi theo chuỗi giá trị

CHÍNH PHONG 00:54, 01/05/2023

Thời gian qua, ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp lớn vào sự tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp địa phương. Do đó, năm 2023, tỉnh phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt từ 5,5 - 6%, trong đó đề cao việc phát triển trong ngành theo chuỗi giá trị.

Ngành chăn nuôi hướng tới đổi mới quy trình chăn nuôi theo hướng tăng tỷ lệ cơ giới hóa, tự động hóa, an toàn dịch bệnh
Ngành chăn nuôi hướng tới đổi mới quy trình chăn nuôi theo hướng tăng tỷ lệ cơ giới hóa, tự động hóa, an toàn dịch bệnh

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, 5 năm trở lại đây, ngành Nông nghiệp tỉnh luôn duy trì mức tăng trưởng khá.  Năm 2022, tăng trưởng 5,02%, đạt 19,9 nghìn tỷ đồng; chiếm tỷ trọng khoảng 38,62% cơ cấu kinh tế. Trong đó, hàng năm, hoạt động sản xuất nông nghiệp luôn đạt kế hoạch đề ra, với chủ trương cơ cấu lại và đổi mới mô hình sản xuất theo hướng bền vững, hiện đại, hiệu quả cao. Toàn tỉnh có hơn 328.000 ha diện tích canh tác (chiếm trên 36% diện tích đất nông nghiệp); tổng diện tích gieo trồng đạt 392.980 ha, trong đó cây hàng năm 125.673 ha; cây dài ngày 267.306 ha.

Ngành chăn nuôi của tỉnh đã từng bước phát triển, khẳng định được vị trí và đóng vai trò quan trọng góp phần vào sự tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp. Theo đánh giá, sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, đàn lợn có xu hướng tăng do người chăn nuôi đầu tư tái đàn để chuẩn bị sản phẩm cung ứng cho thị trường dịp cuối năm. Đàn bò thịt, gia cầm ổn định, đàn bò sữa giảm nhẹ do một số cơ sở chăn nuôi quy mô nhỏ giảm đàn, chuyển đổi ngành nghề, sản xuất dâu tằm phát triển tốt.

Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 152 ngày 15/11/2022 của Chính phủ và Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhấn mạnh: Chiến lược phát triển chăn nuôi, xác định bò sữa, bò thịt cao sản, lợn, gia cầm, tằm tiếp tục là các đối tượng vật nuôi chủ lực; đổi mới quy trình chăn nuôi theo hướng tăng tỷ lệ cơ giới hóa, tự động hóa, chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường, phát triển các chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. 

Bên cạnh đó là việc mở rộng vùng chăn nuôi bò sữa tại các địa phương có tiềm năng, lợi thế như huyện Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên; duy trì các liên kết chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm sữa tươi nguyên liệu trên địa bàn tỉnh; phấn đấu đến năm 2025, tổng đàn gia súc đạt 753 ngàn con, đàn gia cầm đạt 13,2 triệu con, sản phẩm thịt hơi các loại đạt 148 ngàn tấn, tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 17-18% trong cơ cấu nội bộ ngành Nông nghiệp. Đến năm 2030, phấn đấu tổng đàn gia súc đạt trên 1 triệu con, đàn gia cầm đạt 15,3 triệu con, tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 18 - 20% trong cơ cấu nội bộ ngành Nông nghiệp. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho biết, để ngành chăn nuôi địa phương phát triển theo chiều sâu trong thời gian tới, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung chú trọng theo hướng chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi theo chuỗi khép kín. Việc phát triển hợp tác, liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến thị trường, trong đó doanh nghiệp là nòng cốt, giảm chi phí trung gian và xây dựng thương hiệu sản phẩm được triển khai chặt chẽ, khoa học. Đặc biệt, ngành chăn nuôi của địa phương đã từng bước chuyển dần theo hướng chăn nuôi công nghiệp, tập trung, hình thành được chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo hướng hiện đại, bền vững, bảo đảm an toàn dịch bệnh, tăng sức cạnh tranh trong ngành chăn nuôi địa phương.