Những năm qua, hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN) tại Đạ Huoai từng bước được đổi mới phù hợp với yêu cầu thực tế. Nguồn lực đầu tư cho KHCN được tăng cường đã thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh đối với sản phẩm chủ lực cây ăn trái, nâng cao thu nhập, thay đổi đời sống của Nhân dân vùng cửa ngõ tỉnh Lâm Đồng.
Ứng dụng KHCN vào sản xuất, khẳng định thương hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai” |
Trong 10 qua (từ năm 2012 - 2022), huyện Đạ Huoai đã tiến hành thực hiện 24 đề tài, dự án KHCN cấp huyện với tổng kinh phí 5,9 tỷ đồng, từ ngân sách nhà nước 4,1 tỷ đồng và nguồn vốn đối ứng của Nhân dân 1,8 tỷ đồng. Các dự án, các đề tài đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi được nâng lên đáng kể, thu nhập, hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích được nâng cao. Việc thực hiện các đề tài, dự án đã đẩy mạnh chuyển đổi diện tích điều, vườn tạp, cây ăn trái kém hiệu quả, dần thay thế diện tích sầu riêng hạt có chất lượng và năng suất thấp sang các giống sầu riêng ghép cho năng suất và chất lượng cao như Monthoong, Ri 6, Chín hóa; xây dựng quy trình công nghệ xử lý chín trái sầu riêng sau thu hoạch. Công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đối với cây sầu riêng được đẩy mạnh, nhiều diện tích đã được sử dụng công nghệ tưới nước, bón phân, phun thuốc liên hợp, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất. Nhiều loại chế phẩm sinh học tiên tiến được đưa vào sử dụng đã nâng cao năng suất, chất lượng cây ăn trái, khẳng định thương hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai”, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường.
Việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ KHCN bước đầu đã bảo tồn được giống chè hoa vàng quý hiếm đặc trưng của địa phương và hình thành nên vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất bột matcha và trà túi lọc từ lá chè hoa vàng. Hiện tại, đã có 2 cơ sở sản xuất bột matcha và trà túi lọc từ lá chè hoa vàng đi vào hoạt động. Sản phẩm xuất hiện trên thị trường được người tiêu dùng đón nhận và đã được công nhận sản phẩm OCOP của huyện.
Nếu trước đây hoạt động KHCN trên địa bàn huyện chủ yếu tập trung ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào lĩnh vực nông nghiệp; thì những năm gần đây đã có những bước tiến mới phù hợp với định hướng phát triển kinh tế, xã hội của huyện, giải quyết các vấn đề cấp thiết phát sinh từ thực tiễn. Hoạt động ứng dụng KHCN đã tập trung nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm, phát triển sản xuất hàng hóa, xóa đói giảm nghèo, áp dụng nhiều kỹ thuật mới trong canh tác, sản xuất.
Nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí KHCN, Đạ Huoai đã lựa chọn, đề xuất các danh mục nhiệm vụ ứng dụng KHCN cấp huyện phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển của ngành, địa phương và các vấn đề phát sinh từ thực tiễn. Huyện đã đề xuất đặt hàng 3 nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh, cụ thể năm 2018, thực hiện 2 nhiệm vụ: “Xây dựng quy trình công nghệ xử lý trái chín đồng loạt và bảo quản trái sầu riêng sau thu hoạch trên địa bàn huyện Đạ Huoai”, “Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật khắc phục hiện tượng nứt vỏ, xì mủ (bên trong và bên ngoài trái), sượng và cháy múi (thâm đen) nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của cây măng cụt”; còn năm 2022, huyện đề xuất thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng mô hình quản lý tổng hợp một số bệnh hại (bệnh xì mủ, thân, cành, thối rễ, chết ngọn) và nhóm rầy xanh mới phát sinh gây hại mạnh trên cây sầu riêng tại các huyện phía Nam Lâm Đồng”.
Để phát huy giá trị, nâng cao danh tiếng “Sầu riêng Đạ Huoai” trên thị trường, phòng, chống sự lạm dụng nhãn hiệu, bảo tồn và phát triển thương hiệu cho sản phẩm đặc trưng của huyện, năm 2021, UBND huyện Đạ Huoai đã đề xuất đặt hàng nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia “Đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý sầu riêng Đạ Huoai” thuộc chương trình phát triển tài sản trí tuệ.
Xác định ứng dụng KHCN là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, thời gian tới, huyện Đạ Huoai chú trọng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sau thu hoạch để tăng chất lượng, giá trị nông sản, tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng 4.0 đem lại, phát triển kinh tế số, phát triển nhanh và bền vững dựa trên KHCN, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Từ đó, Đạ Huoai đề xuất các nhiệm vụ KHCN tập trung vào các nội dung sau: Ưu tiên xác định lựa chọn các nhiệm vụ, dự án mang tính thực tiễn, đem lại hiệu quả cao và có khả năng nhân rộng. Đẩy mạnh khảo nghiệm những giống cây trồng, vật nuôi mới thích ứng với điều kiện tự nhiên của huyện. Tiếp tục ứng dụng KHCN trong nông nghiệp, nhất là trong canh tác cây sầu riêng, đưa nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Đạ Huoai” trở thành thương hiệu mạnh, uy tín trên thị trường. Đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng KHCN trong sản xuất, sơ chế, bảo quản sau thu hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu gắn với các ngành chế biến nhằm nâng cao giá trị nông sản chủ lực của huyện như sầu riêng, hạt điều, dâu tằm. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực. Đẩy mạnh ứng dụng tự động hóa vào sản xuất nông nghiệp, số hóa quy trình sản xuất bằng phần mềm quản lý, tối ưu hóa nguồn nguyên liệu đầu vào, đa dạng hóa các hình thức tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương với các sàn thương mại điện tử sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin